Tài chính tiêu dùng

Bỏ hàng tỷ USD mua công ty tài chính: Đại gia ngoại thâu tóm thị trường Việt Nam?

(VNF) - Liên tiếp các thương vụ mua bán, sáp nhập các công ty tài chính Việt Nam với các đối tác nước ngoài diễn ra trong thời gian qua. Làn sóng này diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty tài chính đang gặp khó khăn về vốn và hoạt động kinh doanh.

Bỏ hàng tỷ USD mua công ty tài chính: Đại gia ngoại thâu tóm thị trường Việt Nam?

Ảnh minh họa.

Làn sóng M&A của các công ty tài chính

Theo nguồn tin của Bloomberg, hai ngân hàng lớn nhất Thái Lan là Kassikornbank (KBank) và SCB X cùng ngân hàng KB Kookmin Bank của Hàn Quốc đã cùng tiến vào vòng đàm phán tiếp theo trong thương vụ mua lại công ty tài chính Home Credit Việt Nam. Giá trị của thương vụ này có thể đạt 700 triệu USD, Bloomberg đưa tin.

Home Credit lên kế hoạch tìm được người mua cho mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trước năm 2024. Việc thoái vốn khỏi Việt Nam là một phần trong nỗ lực tối ưu hóa hoạt động của Home Credit. Trong đầu năm nay, Home Credit cũng đã bán mảng kinh doanh tại Indonesia và Philippines.

Trước đó, AEON Financial Service Co.Ltd, công ty thuộc mảng tài chính của tập đoàn AEON cũng đã mua lại công ty tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) thuộc SeABank với mức giá 4.300 tỷ đồng.

Ngân hàng Krungsri của Thái Lan cũng đã đạt thỏa thuận mua lại 100% vốn của SHB Finance từ ngân hàng. Hiện tại, ngân hàng SHB sở hữu 50% vốn điều lệ và Krungsri sở hữu 50% còn lại. Ba năm tiếp theo, SHB sẽ tiến hành chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần đang nắm giữ cho Krungsri theo thỏa thuận thương vụ đã ký.

Bên cạnh các thương vụ mua lại, nhiều “ông lớn” nước ngoài cũng sẵn sàng rót tiền để sở hữu cổ phần tại các công ty tài chính ở Việt Nam.

Vào năm 2021, công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), công ty con thuộc tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản, đã hoàn tất việc mua lại 49% vốn điều lệ của FE Credit từ VPBank với số tiền lên tới 1,4 tỷ USD. Ngân hàng Shinsei Bank và Tập đoàn Saison Nhật Bản cũng đã mua lại 49% vốn điều lệ của các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng MB và HDBank.

"Ẩn tình" đằng sau làn sóng thâu tóm

Chia sẻ với VietnamFinance, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM) cho biết, nhiều công ty tài chính Việt Nam đang trong thế khó chồng khó khi phải đối mặt với nhiều thách thức như sự hạn chế về ý thức và thiện chí trả nợ của người vay cùng; việc siết chặt các hình thức đòi nợ, mua bán nợ hay tình hình kinh tế khó khăn khiến nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ giảm sút.

Chưa kể, “mảnh đất tín dụng tiêu dùng và tín dụng vi mô hay siêu vi mô này tiềm năng nhưng không thực sự màu mỡ như chúng ta nghĩ, bởi vì nó là phân khúc khá “xương” mà các ngân hàng thương mại đã bỏ ngõ bởi khoảng vay nhỏ (đa số dưới 20 triệu đồng đối với khách hàng cá nhân), rủi ro cao (tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức cao), chi phí cao (để tạo một hồ sơ có giá trị nhỏ nhưng các quy trình đều phải thực hiện như các hồ sơ có giá trị cao)”.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Huân, “về dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn xem thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam là khá tiềm năng và có cơ hội phát triển tốt”. Chính vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội gia nhập thị trường này khi các công ty tài chính đang trong tình trạng khó khăn về hoạt động kinh doanh và vốn.

Trước những lo ngại về thị trường tài chính tiêu dùng tiềm năng có thể bị các ông lớn nước ngoài thâu tóm, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các công ty tài chính trong nước chưa hẳn là việc xấu.

“Họ sẽ giúp thị trường này phát triển tốt hơn và bền vững hơn trong tương lai khi mà các tổ chức tài chính nước ngoài có kinh nghiệm hơn trong việc quản lý rủi ro tốt hơn, cũng như có nguồn vốn giá rẻ dồi dào và trường vốn hơn. Thậm chí việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua lại các công ty tài chính yếu kém, tái cấu trúc các công ty này lại góp phần giúp cho hệ thống tài chính Việt Nam lành mạnh hơn và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn về dài hạn”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Huân, để khắc phục được những khó khăn và rủi ro trước mắt cũng như tìm kiếm được lợi nhuận, các “ông lớn” nước ngoài cần phải tái cấu trúc các công ty tài chính theo hướng ứng dụng công nghệ (fintech) nhằm tự động hóa phê duyệt khoản vay và quản trị rủi ro.

“Cơ hội lớn nhất của các công ty tài chính là việc ứng dụng công nghệ cũng như kinh nghiệm quản trị rủi ro để có thể khai thác tốt ở thị trường này. Và đây cũng chính là lợi thế của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Huân nhận định.

Tin mới lên