Ngân hàng

Vàng đắt nhất lịch sử, Bitcoin tái lập kỷ lục: Dấu hiệu giai đoạn bất ổn, đầy rủi ro?

(VNF) - Giá vàng đã tăng mức lên kỷ lục, Bitcoin cũng bất ngờ tăng vọt cho thấy những dấu hiệu bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn và lãi suất giảm.

Vàng đắt nhất lịch sử, Bitcoin tái lập kỷ lục: Dấu hiệu giai đoạn bất ổn, đầy rủi ro?

Vàng lên kỷ lục, Bitcoin tăng vọt

Giá vàng thế giới đã tăng lên mức 2.135 USD/ounce trong ngày 4/12, vượt qua mức kỷ lục được thiết lập trong thời kỳ đại dịch năm 2020.

Ngày 5/12, giá vàng đã quay về quanh mức 2.000 USD/ounce. Dù giá vàng đã hạ nhiệt nhưng đây vẫn là mức giá cao.

Trong vòng 2 tháng lại đây, giá vàng liên tục tăng cao do những bất ổn địa chính trị làm tăng nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn.

Giá vàng tăng cao từ cuối tuần trước, khi những nhận xét Chủ tịch Fed Jerome Powell làm tăng niềm tin của các nhà giao dịch rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 3/2024.

Giới phân tích nhận định, giá vàng tăng nhờ động lực kết hợp mạnh mẽ giữa kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.

Những quan ngại về bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và cuộc xung đột Hamas - Israel đã thúc đẩy nhu cầu của giới đầu tư đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.

Cơn say các tài sản rủi ro lên cao, báo hiệu một giai đoạn bất ổn.

 

Hơn nữa, vàng được giới đầu tư đặc biệt ưa chuộng như một cách để bảo vệ tài sản khỏi suy thoái kinh tế, lạm phát trong những năm qua và có thể sắp tới. Hơn thế, vàng được xem là một kênh giao dịch an toàn cổ điển.

Thêm vào đó, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed vào năm tới đã gây áp lực giảm giá lên đồng USD, hiện đã xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Việc đồng bạc xanh hạ giá khiến vàng rẻ hơn đối với người mua quốc tế, làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng.

Trong khi đó, cũng trong ngày 4/12, Bitcoin tăng hơn 2,5%, vọt trên ngưỡng 40.000 USD/BTC. Đây là mức giao dịch cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Sang ngày 5/12, Bitcoin tăng chạm mốc 42.000 USD/BTC.

Mức giá kỷ lục của Bitcoin là gần 69.000 USD/BTC, được thiết lập hồi tháng 11/2021. Kể từ đó, ngành công nghiệp tiền mã hóa chìm trong hàng loạt rắc rối, lâm vào tình trạng ảm đạm.

Tuy nhiên, giá Bitcoin đã được thúc đẩy từ đầu năm nay nhờ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và các ngân hàng khác của Mỹ.

Đặc biệt, từ nửa cuối năm nay, thông tin một quỹ ETF Bitcoin giao ngay có thể được thông qua đã khiến ngành công nghiệp tiền mã hóa dậy sóng.

Giá Bitcoin đã tăng hơn 120% chỉ từ đầu năm nay. Nhiều người ủng hộ tiền mã hóa thậm chí đặt cược rằng giá có thể vọt lên 100.000 USD/BTC.

Trước tình trạng Bitcoin tăng giá liên tục trong thời gian gần đây, nhiều nhà phân tích nhận xét giới đầu tư tiền số đổ xô vào Bitcoin do tâm lý sợ bỏ lỡ (fomo).

Suy thoái đang đến gần, tài sản rủi ro được đón nhận

Thị trường tài chính thế giới năm 2023 biến động mạnh khi chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Huyền thoại đầu tư Jim Rogers mới đây đã cảnh báo trên Nikkei Asia rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể sắp bước vào thời kỳ khó khăn. Thời kỳ tươi đẹp của kinh tế thế giới gần tới hồi kết thúc.

Theo Jim Rogers, thị trường chứng khoán Mỹ tăng liên tiếp từ những năm 2010 nhưng “chuỗi thành tích tích cực đó có thể sắp kết thúc”.

Jim Rogers cho rằng chứng khoán Mỹ được xem là một chỉ báo với kinh tế thế giới. Danh sách các cổ phiếu tăng giá ấn tượng trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày càng hiếm hoi khiến việc tìm kiếm lợi nhuận ngày càng khó. Điều này cũng sẽ xảy ra với các thị trường khác.

Ông Rogers cũng cho rằng suy thoái đang đến gần hơn. Trong 1-2 năm tới, “chúng ta sẽ chứng kiến một vấn đề rất lớn, dài hạn trên các thị trường tài chính toàn cầu”. Những bất ổn địa chính trị cũng góp phần kìm hãm nền kinh tế thế giới

Nhiều nhà đầu tư sớm tìm đến hầm trú ẩn an toàn với vàng.

 

Gần đây, thế giới chứng kiến hiện tượng tiền gửi vào ngân hàng gia tăng cho dù lãi suất giảm mạnh. Khi dòng tiền không tìm được nơi sinh lợi hiệu quả thì an toàn là yếu tố được lựa chọn. Vàng, trái phiếu chính phủ của các nước, USD và cả Bitcoin… là các kênh được nhiều người chú ý.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư đang nhiệt tình đón nhận các tài sản rủi ro, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng các ngân hàng trung ương lớn đang giành được chỗ đứng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Trong khi vàng vẫn là một kênh trú ẩn an toàn thì mức tăng ấn tượng của Bitcoin khiến nó trở thành đối thủ nặng ký với vàng. Bitcoin cũng đang có trở thành sự lựa chọn cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm các phương tiện lưu trữ giá trị thay thế. Tuy vậy, lợi ích của cả hai loại tài sản này còn phụ thuộc vào tình trạng nền kinh tế và các chính sách tiền tệ của Fed cũng như các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Suy đoán về chính sách xoay trục của Fed là tín hiệu tốt cho các tài sản rủi ro, đặc biệt vàng kỹ thuật số, dưới dạng tiền điện tử như Bitcoin.

Sự phục hồi của Bitcoin và nhiều tài sản tài chính khác đến từ việc các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng Fed đã hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt. Thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Giống như những tài sản rủi ro khác, Bitcoin sẽ hưởng lợi khi áp lực tăng lãi suất được cởi bỏ trên thị trường.

Những người ủng hộ cho rằng tiền mã hóa là một tài sản thích hợp để đầu tư trong giai đoạn bất ổn. Theo lý thuyết, Bitcoin có nguồn cung hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc giá sẽ tăng lên nhờ dòng tiền chảy vào các tài sản trú ẩn an toàn nhằm né tránh rủi ro lạm phát.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý, mặc dù triển vọng của Bitcoin có vẻ tươi sáng nhưng vẫn có một số trở ngại ngắn hạn có thể xảy ra.

Tương tự, không ít chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên thận trọng cho các nhà đầu tư vàng. 

Ông Marcus Garvey, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Macquarie, cho rằng vàng có thể duy trì trên 2.200 USD nếu lạm phát tiếp tục giảm tại Mỹ, song cũng cho rằng mức tăng bền vững sẽ chỉ được duy trì nếu có sự trở lại của hoạt động mua ETF. 

Tin mới lên