Tài chính

‘Vén màn’ năng lực tài chính Công ty TNHH Tài Tâm của ông Đỗ Lê Quân

(VNF) – Với giới bất động sản Hà Nội, ông Đỗ Lê Quân, chủ của Tài Tâm Group, là một gương mặt khá quen thuộc. Song, bức tranh tài chính kinh doanh của Công ty TNHH Tài Tâm – hạt nhân của Tài Tâm Group, lại cho thấy nhiều điều bất ngờ.

‘Vén màn’ năng lực tài chính Công ty TNHH Tài Tâm của ông Đỗ Lê Quân

‘Vén màn’ năng lực tài chính Công ty TNHH Tài Tâm của ông Đỗ Lê Quân

Phác họa hình hài Tài Tâm Group

Công ty TNHH Tài Tâm được thành lập từ năm 1996, có trụ sở tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Đỗ Lê Quân, sinh năm 1974, thường trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Từ một doanh nghiệp ban đầu, ông Quân đã phát triển Tài Tâm thành một “đế chế”, hoạt động trong 4 lĩnh vực gồm: năng lượng tái tạo, phát triển và cho thuê bất động sản, xây dựng hạ tầng kĩ thuật và khu du lịch sinh thái – resort.

Trong số này, mảng phát triển và cho thuê bất động sản được xem là nổi bật nhất. Từ năm 2007, Tài Tâm Group đã được chấp thuận chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở hỗn hợp Phương Bắc Land tại Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội); năm 2012 được chấp thuận là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê 22 tầng, diện tích 1.500m2 tại 128 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao (quận 1, TP. HCM). Tới nay, danh mục dự án được Tài Tâm Group giới thiệu trên website của mình gồm có: tòa nhà Grand Spring Suites West Lake, biệt thự Tô Ngọc Vân, tòa nhà 96 Định Công, tòa nhà Lakeview 72 Xuân Diệu, shophouse 124 Vĩnh Tuy, dự án Hoàng Mai…

Tài Tâm Group cũng được biết đến là chủ đầu tư dự án mở rộng cụm công nghiệp An Đồng thuộc xã Đồng Lạc và An Lâm huyện Nam Sách – Hải Dương; đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Đồng Lạc trên cùng địa bàn.

Ngoài ra, Tài Tâm Group cũng là nhà thầu thi công một số dự án xây dựng hạ tầng như: đường nội bộ khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), đường nội bộ khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa), quốc lộ 6 Mộc Châu – Sơn La…

Những năm gần đây, Tài Tâm Group lấn vào mảng năng lượng tái tạo với các dự án điện gió như: điện gió Tài Tâm, điện gió Hoàng Hải, điện gió Hưng Bắc, điện gió Phương Bắc, điện gió Phương Bắc 2, điện gió Ea H’Leo…

Điểm qua “đế chế” Tài Tâm Group, có thể kể ra một số thành viên nổi bật. Chẳng hạn như Công ty TNHH MTV Tài Tâm Cầu Giấy (sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Hà Nội). Công ty này thành lập năm 2018, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc. Vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Tài Tâm nắm 80%, ông Đỗ Kim Ngọc nắm 10%, bà Lê Thị Ân nắm 10%. Cần lưu ý, ông Đỗ Kim Ngọc, bà Lê Thị Ân và ông Đỗ Lê Quân có chung địa chỉ thường trú.

Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Tài Tâm (sau đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư MR Pizza Việt Nam). Công ty này thành lập năm 2015, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tài Tâm nắm 50%, Đặng Thu Hà nắm 30% và Trần Nam Trung nắm 20%. CEO, người đại diện theo pháp luật là ông Đỗ Kim Ngọc (sinh năm 1943).

Năm 2017, công ty tăng vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng. Lúc này, hai cổ đông Đặng Thu Hà và Trần Nam Trung thoái vốn, cổ đông Công ty TNHH Tài Tâm giảm tỷ lệ sở hữu xuống 25%, cổ đông ngoại xuất hiện thế chỗ là Felix Investment Co.,Ltd, (Hàn Quốc) với tỷ lệ sở hữu 50%. Trong cùng năm này, ông Đỗ Lê Quân nhường ghế CEO cho ông Nguyễn Thanh Lâm (sinh năm 1971, thường trú phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) để lên làm chủ tịch HĐQT.

Một thành viên đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng hạ tầng miền Bắc. Được thành lập năm 2019, công ty có ngành nghề chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Đỗ Lê Quân 45%, Nguyễn Anh Cường 50%, Nguyễn Trung Hải 5%. Trong đó, ông Đỗ Lê Quân làm CEO kiêm người đại diện theo pháp luật.

Ở mảng năng lượng tái tạo, đơn vị nổi bật là Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Hưng Bắc. Ra đời năm 2018, công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với các cổ đông quen thuộc: Lê Thị Ân 10%, Đỗ Lê Quân 80%, Đỗ Kim Ngọc 10%.

Đơn vị khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Hưng Bắc, được thành lập 5/2020, vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Tài Tâm nắm 10%, Đỗ Kim Ngọc nắm 60%, Lê Thị Ân nắm 30%. CEO công ty là ông Đỗ Kim Ngọc. Tháng 7/2020, công ty tăng vốn lên 245 tỷ đồng và tháng 3/2021 tăng lên 804 tỷ đồng. Chức CEO cũng đổi từ ông Ngọc sang ông Đỗ Lê Quân.

Song sinh với công ty trên là Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị, thành lập 5/2020, vốn điều lệ 10 tỷ đồng với các cổ đông: Lê Thị Ân 30%, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Kinh doanh bất động sản Thăng Long (cùng địa chỉ với Tài Tâm) 10%, Đỗ Lê Quân 60%. Tháng 7/2020, công ty tăng vốn lên 245 tỷ đồng và tới tháng 3/2021 tăng vốn lên 802 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, Tài Tâm Group (trực tiếp là Công ty TNHH Tài Tâm) gây chú ý khi đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới đầm Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, cạnh tranh cùng với Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Thuận Thắng Nam Định.

Dự án khu đô thị mới đầm Cà Ná có tổng chi phí thực hiện khoảng hơn 4.419 tỷ đồng (chi phí này không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 71,5 tỷ đồng. Quy mô diện tích đất 64,46ha. Quy mô dân số khoảng 9.956 dân. Cơ cấu sản phẩm dự án bao gồm 1.218 lô đất ở hỗn hợp và 265 lô đất ở liền kề.

Trước đó, trong năm 2020, Công ty TNHH Tài Tâm liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc đã đề xuất nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những hoạt động trên đã cho thấy Tài Tâm ngày càng hoạt động mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực bất động sản, cho thấy tham vọng ngày càng lớn của ông Đỗ Lê Quân.

Bất ngờ kết quả kinh doanh

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong “một nhiệm kỳ” vừa qua (2016 -2020), kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Tài Tâm khá èo uột, nếu không muốn nói là bết bát.

Cụ thể, doanh thu của Tài Tâm trồi sụt rất mạnh qua các năm, từ 42 tỷ đồng năm 2016 giảm xuống 30 tỷ đồng năm 2017, sau tăng lên 71 tỷ đồng năm 2018, tăng tiếp lên 117 tỷ đồng năm 2019 rồi bất ngờ “rơi” xuống còn 31 tỷ đồng năm 2020.

Đáng chú ý, do giá vốn rất cao nên lợi nhuận gộp của Tài Tâm rất mỏng, đạt 6,3 tỷ đồng năm 2016, 1,2 tỷ đồng năm 2018, 2,6 tỷ đồng năm 2019, 3,9 tỷ đồng năm 2020; cá biệt năm 2017, công ty còn kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lỗ gộp 11,4 tỷ đồng.

Xét các năm có lãi gộp, biên lãi gộp của Tài Tâm đặc biệt thấp trong các năm 2018 – 2019, chỉ đạt 1,7% và 2,2%. Năm 2016 và 2019, công ty có biên lãi gộp cao hơn, đạt lần lượt 14,8% và 12,5%, song kết quả này có được là do doanh thu xuống thấp chứ không phải giá trị lợi nhuận gộp gia tăng.

Với lợi nhuận gộp “mỏng dính”, không có gì khó hiểu khi trừ đi các loại chi phí, Tài Tâm rơi vào thua lỗ trong các năm 2016 – 2018 với mức lỗ lần lượt là: 2,5 tỷ đồng, 3,5 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.

Năm 2019 – 2020, Tài Tâm thoát lỗ nhưng lãi sau thuế chỉ ở mức “tượng trưng”, lần lượt là: 44 triệu đồng và 14 triệu đồng.

Về tài sản, giai đoạn 2016 – 2020, tổng tài sản của Tài Tâm thăng giáng khá mạnh, lần lượt là 575 tỷ đồng, 390 tỷ đồng, 635 tỷ đồng, 469 tỷ đồng và 502 tỷ đồng.

Đa phần tài sản là tài sản dài hạn. Chất lượng tài sản tương đối sáng khi giá trị các khoản phải thu và hàng tồn kho ở mức thấp. Song, điểm trừ là Tài Tâm có lượng tiền và tương đương tiền rất thấp, phần lớn các năm chỉ hơn 1 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tài Tâm lên xuống theo quy mô tài sản trong cùng giai đoạn, lần lượt là 460 tỷ đồng, 278 tỷ đồng, 527 tỷ đồng, 360 tỷ đồng và 394 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy đa phần tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả, tỷ lệ lên đến: 80% (2016), 71% (2017), 83% (2018), 76% (2019), 93% (2020).

Nợ vay dài hạn của Tài Tâm cũng khá lớn, lần lượt là: 396 tỷ đồng (2016), 201 tỷ đồng (2017), 405 tỷ đồng (2018), 247 tỷ đồng (2019) và 247 tỷ đồng (2020). Như vậy có thể thấy nợ vay dài hạn đã tài trợ tới khoảng một nửa tổng tài sản của Tài Tâm.

Trong bối cảnh vốn chủ sở hữu của Tài Tâm giảm dần đều qua các năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu luôn được duy trì ở mức khá cao: 4 lần (2016), 2,5 lần (2017), 4,8 lần (2018), 3,3 lần (2019), 3,6 lần (2020).

Về dòng tiền, điều an ủi là 3 năm trở lại đây, Tài Tâm đã có dòng tiền kinh doanh dương, sau khi âm nặng trong các năm trước đó. Tuy nhiên, điều đó vẫn là không đủ để giúp công ty nâng được quy mô vốn bằng tiền. Như trên đã nói, lượng tiền và tương đương tiền của Tài Tâm trong nhiều năm chỉ loanh quanh ở mức 1 tỷ đồng…

Tin mới lên