Vì sao cổ phiếu G36 chìm sâu dưới mệnh giá?

Dương Thuỳ - 15/01/2020 08:40 (GMT+7)

Giá cổ phiếu của Tổng Công ty 36 (UPCOM: G36) giảm sâu dưới mệnh giá từ nhiều tháng nay, với thanh khoản nhỏ giọt.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Trong phiên giao dịch ngày 14/1, giá cổ phiếu G36 giảm xuống chỉ còn 4.300 đồng/cổ phiếu, thanh khoản èo uột. Ngày 13/1 chỉ có hơn 25.700 cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch 110,7 triệu đồng; Ngày 10/1 chỉ có 6.400 khối lượng cổ phiếu khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch 28,2 triệu đồng…

Theo ông Nguyễn Hải Hà- Nhà đầu tư trên sàn MBS, không chỉ riêng G36, mà cổ phiếu của các ông lớn trong ngành xây dựng như HBC, HDG, ICG và nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng khác đã giảm rất sâu và chưa có triển vọng phục hồi trở lại.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của G36 đạt 937 tỷ đồng, giảm hơn 40% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,8 tỷ đồng, giảm 927% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019 công ty đề ra kế hoạch doanh thu ước đạt 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 87,4 tỷ đồng. Như vậy, công ty không thể đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của G36 đạt 5.753 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với đầu năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn 3.389 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của G36 đã vượt  gần gấp 5 lần vốn chủ sở hữu (4.700 tỷ đồng/1.053 tỷ đồng). Như vậy, tình hình nợ của G36 đáng báo động, nếu tình hình này tiếp diễn thì nợ mất vốn chủ sỡ hữu của G36 rất có thể xảy ra.

Nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đang là tình trạng đáng báo động ở nhiều doanh nghiệp, trong đó có G36. Đây là "con dao hai lưỡi" ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh dài hạn nếu G36 không cân đối được tài chính.

Với tình trạng kinh doanh kém khả quan và nợ phải trả ở mức cao như hiện nay, doanh nghiệp này không còn được các ngân hàng tha thiết cho vay, phải hoạt động cầm chừng hoặc theo phương thức khách hàng ứng tiền, sau đó sử dụng số tiền này để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tái khởi động các dự án dang dở...

TS. Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng G36 nên tính toán và điều chỉnh lại tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý, khoảng 60/40 hoặc 40/60 để đảm bảo an toàn tài chính. "Nếu tỷ lệ này quá cao, mà doanh nghiệp mất cân đối tài chính, thì khả năng phá sản rất lớn", ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo DĐDN
Cùng chuyên mục
Tin khác