Vì sao dòng vốn ‘tháo chạy’ khỏi thị trường Bitcoin gia tăng kỷ lục?

Minh Đăng - 28/04/2021 07:18 (GMT+7)

(VNF) - Các chuyên gia của CoinShares cho rằng khi đà khởi sắc của Bitcoin đã chững lại, giới đầu tư trở nên thận trọng hơn đối với tiền kỹ thuật số dẫn tới dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường Bitcoin tăng cao kỷ lục trong tuần trước.

VNF
(Ảnh minh họa).

Trong báo cáo của công ty quản lý tiền tệ kỹ thuật số CoinShares hồi đầu tuần này, đã có 21 triệu USD chảy ra khỏi thị trường Bitcoin trong tuần kết thúc vào ngày 23/4, mức cao kỷ lục tính theo tuần.

Trong khi đó, lượng vốn chảy vào thị trường này chỉ đạt 1,3 triệu USD, cũng là mức thấp nhất theo tuần kể từ tháng 10/2020.

Dù vậy, CoinShares cho biết lượng vốn chảy ra trong tuần trước chỉ chiếm 0,05% lượng tài sản được quản lý của thị trường Bitcoin, trong khi lượng vốn chảy vào hàng tuần trung bình chiếm tỷ lệ 0,6% trong năm nay.

Tính đến tuần trước, tổng giá trị tài sản được quản lý của thị trường Bitcoin đạt 54,3 tỷ USD, thấp hơn mức 64,2 tỷ USD hồi giữa tháng 4.

"Các nhà đầu tư đang rút vốn ra khỏi Bitcoin sau những diễn biến trong tuần trước, trong đó nổi bật có sự cố mất điện tạm thời ở Tân Cương (Trung Quốc)", Matt Weller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường của Forex.com và City Index, cho hay.

Giá Bitcoin hiện dao động quanh mức 55.000 USD.

Trong tháng 4, giá Bitcoin đã có lúc xuyên thủng mốc 64.000 USD vào ngày 14/4, đưa giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền kỹ thuật số này lên lên hơn 1.200 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó giá Bitcoin đã quay đầu lao dốc xuống dưới 52.000 USD rồi lại vượt lên trên 62.000 USD.

Trong tuần trước, giá Bitcoin đã sụt giảm gần 12% xuống còn 48.000 USD, vốn hóa còn hơn 903 tỷ USD.

Vào 7h sáng nay (28/4, theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin theo ghi nhận của CoinMarketCap đang giao dịch ở mức 55.103 USD, tăng 2,83%% so với thời điểm cách đó 24 tiếng và giảm 2,57% so với 1 tuần trước.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do ảnh hưởng tới giá Bitcoin. Theo thông báo mới đây của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, tiền mã hóa sẽ không được phép sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để thanh toán, và quy định có hiệu lực vào ngày 30/4.

Thông báo nêu rõ các tổ chức thanh toán và tổ chức tiền điện tử sẽ không thể đóng vai trò là nền tảng trung gian để cung cấp các dịch vụ giao dịch, lưu ký, chuyển nhượng hoặc phát hành cho tài sản mã hóa.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với đồng tiền kỹ thuật số. Ấn Độ cũng đã đề xuất luật cấm tiền điện tử và nếu giao dịch hay thậm chí nắm giữ đồng tiền số có thể bị phạt tiền.

Thêm vào đó, tình trạng mất điện tại khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi diễn ra nhiều hoạt động khai thác Bitcoin, cũng tác động không nhỏ tới đà giảm giá của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng những lo ngại liên quan tới việc Mỹ có thể nâng thuế thặng dư vốn tăng gấp đôi với những người thu nhập từ 1 triệu USD trở lên cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư tiền mã hóa.

Xem thêm >> Trung Quốc có công ty đầu tiên trả lương bằng tiền nhân dân tệ kỹ thuật số

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác