Vì sao VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế tại 5 ngân hàng?
Nha Trang -
06/11/2019 06:21 (GMT+7)
Trong quá trình thanh tra đối với Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Cục Thuế TP Hà Nội đã phát hiện DN không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dự án đầu tư. Vì thế, cơ quan này đã ra quyết định thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT đối với VEC.
VEC không đáp ứng đủ điều kiện được hoàn thuế GTGT
Sau quá trình đôn đốc, VEC vẫn chưa thực hiện quyết định của cơ quan thuế nên tháng 5/2019, Cục Thuế TP Hà Nội đã ra các quyết định cưỡng chế tài khoản của VEC tại 5 ngân hàng thương mại (ngân hàng SCB - Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Đống Đa, Sở Giao dịch Vietcombank, Ngân hàng MB - Chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng BIDV - Sở giao dịch 3). Tổng số tiền cưỡng chế là hơn 1.000 tỷ đồng.
Thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến quyết định cưỡng chế thuế VEC là do trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế GTGT đối với VEC, Cục Thuế TP Hà Nội đã phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư.
Trước đó, thực hiện quy định của Luật quản lý thuế về việc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với dự án đầu tư, từ ngày 1/7/2016 đến năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện hoàn thuế GTGT cho VEC 9 đợt, tổng số tiền hoàn thuế GTGT là hơn 949 tỷ đồng theo hình thức hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Vì thế, căn cứ quy định của Luật quản lý thuế và kết quả thanh tra sau hoàn thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 14022/QĐ-CT-TTr4 ngày 3/4/2018 và quyết định số 14356/QĐ-CT-TTr2 ngày 4/04/2018 thu hồi tiền hoàn thuế GTGT đối với VEC, số tiền hơn 949 tỷ đồng đồng đã hoàn cho VEC trước đó, tiền chậm nộp phải nộp 83,4 tỷ đồng, tổng số thuế phải thu hồi và tiền chậm nộp 1.033 tỷ đồng.
Cưỡng chế tài khoản hơn 1.000 tỷ đồng tiền hoàn thuế và chậm nộp của VEC
Trong quá trình đôn đốc thu hồi số tiền hoàn thuế và tiền chậm nộp nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho VEC liên hệ với Bộ chủ quản để xử lý sai sót cũng như thu xếp nguồn tài chính để thực hiện hoàn trả ngân sách Nhà nước nhưng VEC vẫn chưa thực hiện quyết định của cơ quan thuế.
Vì vậy, ngày 28/5/2019, Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành 5 quyết định thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của VEC tại 5 ngân hàng thương mại. Thời gian cưỡng chế từ ngày 4/6/2019 đến hết ngày 3/7/2019 (30 ngày), số tiền cưỡng chế ghi trong các Quyết định nêu trên là 1.033 tỷ đồng (không phải 5.000 tỷ đồng như VEC thông tin cho một số báo chí)
Cục Thuế TP Hà Nội khẳng định, ngoài biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Cục Thuế TP Hà Nội không đề nghị các Ngân hàng phong tỏa tài khoản, không thực hiện khấu trừ lương, thu nhập của người lao động... như nội dung VEC phản ánh trong công văn 2398/CV-VEC gửi Bộ Tài chính.
“Trong quá trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế để đôn đốc thu hồi nợ vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế, Cục Thuế TP Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh để có dòng tiền nộp Ngân sách Nhà nước”- cơ quan thuế Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng theo Cục Thuế Hà Nội, thông tin trước đó, các nội dung báo cáo của VEC và báo chí phản ánh về việc “Cục thuế TP Hà Nội áp dụng biện pháp cưỡng chế truy thu 5.000 tỷ đồng...” (cộng số học 5 quyết định); “...các tài khoản của VEC mở tại các Ngân hàng thương mại và kho bạc bị phong tỏa, dừng hoạt động không thực hiện được các giao dịch, thanh toán; dừng thu phí trên toàn bộ các tuyến cao tốc do VEC quản lý...”; hoặc “... trong 6 tháng vừa qua, gần như mọi hoạt động liên quan đến dòng tiền đi, đến của VEC đóng băng sau khi Cục thuế TP Hà Nội ra quyết định hành chính thuế...”... là chưa đúng với thực tế.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone