Diễn đàn VNF

'Việt Nam phải đi con đường Việt Nam, mới có cơ hội tiến lên đi đầu'

(VNF) - Nói về phát triển kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn manh: "Việt Nam phải đi con đường Việt Nam. Và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta mới có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường người khác thì cũng mãi sẽ chỉ là người theo sau”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Con số toàn cảnh về kinh tế số

Theo ước tính sơ bộ, tỷ trọng kinh tế số trên GDP của cả nước trong năm 2021 là 11,91% và năm 2022 là 14,26%. Trong đó, kinh tế số ICT vẫn là trụ cột với tỷ trọng đóng góp khoảng hơn 9% GDP và tác động lan tỏa của công nghệ số, ICT đóng góp vào các ngành, các lĩnh vực khác là 5% (như vậy tỷ lệ cơ cấu kinh tế số ICT trên kinh tế ngành lĩnh vực đang khoảng 70:30), 70% cho kinh tế số ICT.

Tại 63 địa phương, hiện có 5 địa phương có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP trên 20%; 13 địa phương có tỷ trọng từ 10 – 20%; 43 địa phương có tỷ trọng từ 5 – 10% và chỉ 2 địa phương có tỷ trọng dưới 5%. Trong đó, tỉnh cao nhất là Bắc Ninh với tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 56,83%, trong khi tỷ trọng thấp nhất là ở Quảng Ngãi với 4,21%.

Chỉ tiêu kinh tế số của nước ta.

Ngoài ra, theo thống kê của Vụ Kinh tế số và xã hội số - Bộ Thông tin và truyền thông, trong số 5 địa phương có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP cao nhất cả nước, có tới 4 địa phương nằm trong top 10 khu vực thu hút dòng vốn FDI cao nhất cả nước, 

Tính đến tháng 6 năm nay, trong 17 mục tiêu đến năm 2025 được đề ra tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, đã có 2 mục tiêu hoàn thành, đạt 11,8%; 15 mục tiêu đang thực hiện tương đương 88,2%.

“Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực đạt 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030, nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành, lĩnh vực phải đạt khoảng 30-40%/năm và cơ cấu tỷ trọng sẽ là 30% kinh tế số ICT và 70% kinh tế ngành và lĩnh vực”, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất vừa diễn ra.

'Việt Nam phải đi con đường Việt Nam'

Kinh tế số là một nền kinh tế duy trì và phát triển dựa trên công nghệ số hiện đại. Nền kinh tế đặc biệt này được cấu thành từ các giao dịch điện tử qua mạng Internet, không giấy tờ, không tiền mặt. Đồng thời, phát triển kinh tế số là một trong những trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, kinh tế số nói chung và chuyển đổi số nói riêng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cần đến những giải pháp mang tính đột phá.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để có thể đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 – 4 lần GDP, tương đương với 20 – 25%/năm.

Trên thực tế, số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi chưa nhiều, nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu về cả chất và lượng đang là những nhân tố khiến phát triển kinh tế số gặp khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bên cạnh đó, những vấn đề về tính pháp lý, an toàn an ninh mạng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi các khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 còn chưa có hoặc ban hành chậm.

Muốn kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn, thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới.

"Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. Các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam muốn thành công thì phải am hiểu bối cảnh kinh tế số hiện nay của nước ta.

"Việt Nam phải đi con đường Việt Nam. Và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta mới có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường người khác thì cũng mãi sẽ chỉ là người theo sau”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tin mới lên