Việt Nam tính cách áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024

Kỳ Thư - 13/07/2023 07:34 (GMT+7)

(VNF) - Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10 năm 2023 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

VNF
Dự kiến trình Quốc hội thông qua áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10.

Tại diễn đàn hợp tác về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm 11/7, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin về lộ trình chính sách thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10/2023 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Quốc hội Việt Nam sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó dự kiến bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu và thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành có liên quan trước khi Quốc hội chính thức xem xét thông qua dự kiến vào tháng 10 năm nay.

Phía Tổng cục Thuế cũng cho biết, hiện Việt Nam đã thu hút FDI từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu vốn FDI.

Nêu quan điểm về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng quy định này.

Theo đó, cần áp dụng chính sách hỗ trợ thay thế cho những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu.

“Việc hỗ trợ này được thực hiện thông qua các quy trình thủ tục đăng kí sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế kể cả thuế bổ sung tối thiểu, nên Chính phủ Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn tài chính cũng như thực hiện các thủ tục hỗ trợ tiếp theo” - Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ.

Để có được nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ nêu trên, theo ông Đặng Ngọc Minh: Nếu doanh nghiệp nộp đủ thuế suất 15% tại Việt Nam theo QDMTT, Việt Nam sẽ có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ lại các doanh nghiệp các khoản chi phí như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí sản xuất công nghệ cao (ví dụ: Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra).

Như vậy, chính sách hỗ trợ này sẽ áp dụng chung cho các doanh nghiệp, quy định hỗ trợ sẽ dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình doanh nghiệp. Từ đó sẽ không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử và phù hợp với Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu (trụ cột 2) nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS).

Trên thực tế, đã có nhiều lo ngại khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ giảm đi sức hấp dẫn. Dù vậy, theo Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk, các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp không coi ưu đãi thuế là lí do chính để chọn địa điểm đầu tư.

Thay vào đó, môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định để thu hút vốn đầu tư FDI. 

Kết quả rà soát về số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Tổng cục Thuế cho biết, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài FDI đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp) chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, nếu áp dụng từ năm 2024, sau khi loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng, tương ứng số tiền khiến ngân sách Việt Nam bị hụt thu nếu chậm chân ứng phó.

Cùng chuyên mục
Tin khác