VinaCapital: 'Thuế tối thiểu toàn cầu khó cản dòng vốn FDI vào Việt Nam'

Bảo Duy - 22/05/2023 15:56 (GMT+7)

(VNF) - Trong báo cáo với chủ đề "Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định" mới được phát hành, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho hay FDI là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn từ sự chuyển dịch dòng vốn FDI sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

VNF
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện 2 yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với dòng vốn FDI của Việt Nam. Một là, Việt Nam có thể đang mất đi sự cạnh tranh về nguồn vốn FDI so với Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Hai là, cơ chế mới về thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu sẽ làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam như là một điểm đến của FDI bởi giới hạn các ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư FDI tiềm năng.

Đối với những lo ngại Việt Nam có thể mất đi lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn FDI, do các công ty như Apple ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Ấn Độ, ông Michael Kokalari cho rằng không quá lo ngại về vấn đề này.

Chuyến thăm Ấn Độ của Tim Cook, Tổng giám đốc Apple vào tháng trước đã làm dấy lên một loạt suy đoán về ý định của Apple và những công ty khác sẽ xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các sản phẩm được sản xuất tại những nhà máy ở Ấn Độ sẽ được bán ở thị trường nội địa nước này.

Nói một cách khác, việc đầu tư vào Ấn Độ không có xuất phát điểm tương tự như "Trung Quốc + 1" - là chiến lược đầu tư thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ qua và ngày càng tăng kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra.

Một số nhà quan sát cho rằng, dòng vốn FDI vào Malaysia và Indonesia đã tăng mạnh trong hai năm qua, trong khi nguồn vốn FDI đăng ký của Việt Nam gần như không tăng đáng kể. Tuy nhiên, VinaCapital giải thích rằng, những khoản đầu tư vào Malaysia và Indonesia chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất những sản phẩm mà Việt Nam không sản xuất, bao gồm cả pin ô tô điện (EV).

Cuối cùng, Việt Nam đã thu hút được nhiều hơn so với tỷ trọng vốn FDI "hợp lý" kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018. Vì vậy, một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực về dòng vốn FDI hiện đang "bắt đầu nắm bắt" các khoản đầu tư sau khi đã tụt hậu so với Việt Nam trong những năm gần đây.

"Có khả năng trong những năm tới đây, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản đầu tư FDI được thúc đẩy bởi chiến lược "Trung Quốc + 1". VinaCapital hoàn toàn tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần", của ông Michael Kokalari nhận định.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng cho rằng, các công ty FDI đầu tư vào Việt Nam thường được hưởng thuế suất ưu đãi, có thể bao gồm mức 0% trong những năm đầu hoạt động. Sau đó, tăng dần lên mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trong một khoảng thời gian có thể lên đến 10 năm.

Năm 2021, hơn 100 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) đã đồng ý với đề xuất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về việc áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu (GMT) 15% từ năm 2023 đối với những doanh nghiệp có thu nhập hợp nhất trên 750 triệu EUR. Việc thực hiện thỏa thuận này sau đó đã bị trì hoãn đến năm 2024 và vẫn chưa rõ là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ có tham gia vào kế hoạch này không.

Việt Nam đang chuẩn bị triển khai cơ chế thuế tối thiểu vào năm tới và khoảng 70 công ty ở Việt Nam có thể bị tăng thuế suất nếu cơ chế thuế mới được áp dụng. Một số thị trường mới nổi trong khu vực được cho là đang nghiên cứu các hỗ trợ thay thế; trong đó, một số khoản thu thuế bổ sung sẽ được chuyển vào "quỹ hỗ trợ kinh doanh" để trợ cấp một số chi phí sản xuất của các công ty đó (như trợ giá điện, hỗ trợ chi phí xây dựng nhà máy mới, hỗ trợ nhà ở cho công nhân...), nhằm bù đắp gánh nặng từ việc đóng thuế ở mức cao hơn của các công ty.

Tuy vậy, dẫn khảo sát của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, ông Michael Kokalari cho biết, thuế suất thấp không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của công ty về địa điểm đầu tư cho nhà máy mới. Các yếu tố khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động (chất lượng & tiền lương) và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn.

"Thuế suất tối thiểu toàn cầu khó có khả năng cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam do thực tế là các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở Việt Nam. Hơn nữa, khả năng Việt Nam sẽ có những giải pháp thay thế cho thuế suất tối thiểu toàn cầu khi cơ chế này được triển khai", ông Michael Kokalari nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác