Lời tòa soạn: "Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm" là cuốn sách sưu khảo, ghi chép của nhà báo Phạm Công Luận về văn hóa, lối sống phố thị của Sài Gòn – Gia Định. Từ chính vốn sống, sự trải nghiệm của một người Sài Gòn, Phạm Công Luận đã thu thập và kể lại những câu chuyện về một Sài Gòn trăm năm, như tác giả tự sự “viết những điều nghiêm túc bằng cách thức dễ tiếp nhận, có cảm xúc” của “một người viết báo, lỡ bước đeo đuổi chủ đề Sài Gòn xưa từ mấy năm qua”.

Được sự đồng ý của tác giả, VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu một số bài viết tiêu biểu trong cuốn sách "Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm". Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị gần xa.

Ban biên tập VietnamFinance

--------------------------------------

Nhìn lại 100 năm phát triển đô thị Sài Gòn, ngoài những tòa nhà công sở to lớn kiên cố tập trung ở khu vực trung tâm được xây dựng theo lối kiến trúc thuộc địa, thì những công trình nhà ở có diện tích lớn xây cất theo kiểu truyền thống chỉ đếm được trên đầu ngón tay, quá ít so với các tỉnh ở miền Đông và Tây Nam Bộ.

Điều này bắt nguồn từ xu hướng kiến trúc. Từ đầu thế kỷ 20, thị hiếu xây cất nhà cửa của giới quan chức và nhà giàu ở các tỉnh lỵ và đô thị Sài Gòn thay đổi rất nhiều. Họ bắt đầu ưa chuộng kiến trúc phương Tây hơn là kiến trúc truyền thống bằng gỗ cũ kỹ. Kiến trúc phương Tây rộng thoáng, chắc chắn hơn với kết cấu và chất liệu xây dựng hiện đại so với kiến trúc gỗ truyền thống như ông cha ta qua bao đời. Minh chứng điều này là thời kỳ nở rộ các ngôi nhà lai (trong cổ ngoài tân) khắp mọi nơi.

Chưa có tài liệu thống kê nào cho thấy Sài Gòn thuở đó có bao nhiêu ngôi nhà gỗ truyền thống, ngoại trừ một số ngôi đình, chùa chiền mang rõ hình dáng của những kiểu thức này còn tồn tại cho đến ngày nay, phần nhiều đã xuống cấp hư hỏng phải phá bỏ xây mới. Căn nhà gỗ làm nhà nguyện nằm trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn trên đường Nguyễn Đình Chiểu có cấu trúc kiểu nhà rường nhưng bên trong thay đổi một chút kết cấu để phù hợp công năng trong sinh hoạt tôn giáo, trải qua ba trăm năm, đến nay đã được phục chế để bảo tồn một kiểu kiến trúc gỗ truyền thống là một di sản quý giá về kiến trúc của đất Sài Gòn.

Vài ngôi nhà gỗ truyền thống khác tập trung ở Phú Xuân (Nhà Bè) hoặc ở Hóc Môn, Bình Thạnh đã thay đổi diện mạo, ngoại trừ Vân Đường Phủ, ngôi nhà rường của học giả Vương Hồng Sển, được mua lại từ một gia tộc sống lâu đời ở Phú Xuân chuyển về Bình Thạnh dựng lại giữa thập niên 1950. Có thể xem là đó là ngôi nhà gỗ truyền thống trong vài căn nhà cổ còn sót lại của Sài Gòn trăm năm qua.

Chung quanh Sài Gòn, những vùng phụ cận vẫn còn đâu đó những ngôi nhà gỗ truyền thống, nay đã trở thành di tích kiến trúc văn hóa. Chẳng hạn ba ngôi nhà dòng họ Trần ở Bình Dương. Trong số này, đặc biệt có ngôi nhà rường của bác sĩ Trần Công Vàng, một bác sĩ nha khoa, từng học và làm việc nhiều năm ở Sài Gòn. Ngôi nhà này đáng quý vì tiêu biểu cho kiến trúc nhà gỗ truyền thống không chỉ riêng cho Đông Nam Bộ mà là toàn miền Nam.

Đã vậy, đồ đạc trong nhà như tủ bàn ghế, đồ trưng bày từ cả trăm năm nay được giữ gần như nguyên vẹn, có bổ sung qua thời gian, đa phần đều là đồ vật mang tính thẩm mỹ cao. Qua ngôi nhà được giữ gìn quá tốt này, chúng ta có thể biết được cấu trúc ngôi nhà và qua các vật dụng cũng như cách sắp xếp đồ đạc nội thất, có thể hình dung phần nào việc tạo dựng một ngôi nhà trong bối cảnh xã hội thời thuộc địa, đời sống và cách sinh hoạt của một gia đình thượng lưu miền Đông Nam Bộ, sinh sống rải rác ở Sài Gòn hay Gia Định, Bình Dương hay Biên Hòa mà ngôi nhà này đại diện.

Giữa thập niên 1990, có một đoàn nhiếp ảnh của tạp chí Vogue (Mỹ) đến Việt Nam cùng với siêu mẫu nổi tiếng người Anh Kate Moss. Đoàn đến một số nơi như Sài Gòn, Phan Thiết, Bình Dương... để chụp bộ ảnh mang tên Good Morning Vietnam do Kate Moss là nhân vật chính. Cuối cùng, để có bộ ảnh trong một ngôi nhà cổ Việt, họ quyết định chọn ngôi nhà này vì sự vẹn nguyên và tính thẩm mỹ cao của nó. Trong bộ ảnh, có vài cảnh cô siêu mẫu chụp trong nhà với hàng liễn đối, tủ cẩn, bàn ghế cổ. Cảnh ngôi nhà cổ tuyệt đẹp đã giúp hình tượng cô với nhan sắc phương Tây càng thêm nổi bật.

Hơn 20 năm sau, tôi trở lại ngôi nhà cổ trong bộ ảnh đó, tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Qua những cuộc chuyện trò với gia chủ, lịch sử gia đình họ Trần, một danh gia vọng tộc bậc nhất của đất Thủ Dầu Một hiện ra. Dòng họ Trần có tới 18 bác sĩ tốt nghiệp trường y khoa tại nước Pháp và hầu hết trở về phục vụ đất nước, trong đó có bác sĩ Trần Công Vàng, từng là Phó Trưởng khoa Nha – Đại học Y Sài Gòn. Họ từng là chủ nhiều dãy phố ở trung tâm tỉnh; nhiều đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, Hớn Quản; nhiều trại cưa và ruộng đất, rạp hát đầu tiên ở Bình Dương; Bệnh viện Sản khoa của tỉnh.

Họ Trần định cư ở làng Phú Cường, Thủ Dầu Một từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh vào cuối thế kỷ 18. Theo gia phả họ Trần, tổ phụ đầu tiên là ông Trần Công Đoàn, gốc Nghệ Tĩnh. Cuộc di cư của ông Trần Công Đoàn nằm trong tiến trình Nam tiến của nhà Nguyễn.

Lúc đó, đất Thủ Dầu Một còn hoang sơ, các loài thú dữ như cọp, rắn, rết... rất nhiều. Theo lệ thường, họ Trần định cư gần sông Sài Gòn, gần nguồn nước để dễ dàng sinh sống. Từ đời ông Đoàn đến chị Ánh Tuyết, người đang giữ gìn ngôi nhà cổ họ Trần hiện nay, đã trải qua chín đời.

Tính từ đời ông Trần Công Đoàn là đời thứ nhất, đến đời ông Trần Công Tín là đời thứ tư (1805-1864). Vợ chồng ông Trần Công Tín có người con thứ năm là Trần Văn Long, tức Sáu Long. Thời Pháp thuộc, ông Trần Văn Long là hương cả của làng Phú Cường, cùng các anh chị em hành nghề buôn gỗ nên đã có điều kiện xây ngôi nhà bằng những loại gỗ tốt nhất thời đó (xây từ 1889 đến năm 1892).

Khi mất, ông để lại hai trại cưa, lò gạch, phố chợ, ruộng đất cho hai người con trai đời thứ sáu là ông Trần Công Bình và Trần Trung Hiếu. Ông Trần Công Bình mất sớm nên con là Trần Công Cần thay cha thừa kế ngôi nhà cổ của ông nội. Đó là ngôi nhà đang được nói đến.

Thời đó (1920), người dân Thủ Dầu Một cho rằng gia đình họ Trần là danh tiếng nhứt tỉnh Thủ Dầu Một. Ông Cần đúng là công tử đại phú gia, phong thái sang trọng, tánh tình phong nhã, tuy cứng cỏi nhưng bình dân, thương người, thường giúp đỡ bà con, bạn nghèo lúc hoạn nạn. Có lúc ông Cần là hội đồng nên được dân gọi là ông Hội đồng Cần, có lúc là ông Huyện Cần.

Ngôi nhà ông Trần Công Cần nằm trong số ba ngôi nhà cổ của họ Trần. Hai ngôi nhà còn lại là nhà ông Trần Văn Miên ở số 3 đường Điểu Ong (Phan Thanh Giản cũ), còn gọi là “nhà cổ ông Trần Văn Tề”, xây từ 1892–1895. Nhà thứ ba là nhà ông Trần Văn Lân số 18 Bạch Đằng, được gọi là “nhà cổ ông Trần Văn Hổ tức ông Đốc phủ Đẩu”, xây 1890–1893.

Bác sĩ Trần Công Vàng, thuộc đời thứ tám, sinh năm 1910 tại làng Phú Cường, tổng Bình Điền, tỉnh Thủ Dầu Một.

Ông là con của ông Trần Công Cần và bà Đoàn Thị Quý, là cháu cố của ông Trần Văn Long và bà Tăng Thị Lời – chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà cổ này. Ngôi nhà ông thừa hưởng được xây rất kiên cố bằng những cây gỗ tốt nhất, với kỹ thuật xây cất công phu, chạm trổ dày đặc các chi tiết, có khả năng do thợ ngoài Huế vào thực hiện trong ba năm như cách thức làm nhà gỗ của các nhà giàu miền Nam thời đó. Ngôi nhà hiện vẫn nằm trên đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một.

Ông Trần Công Vàng hồi còn trẻ chụp chung với cha mẹ, là ông bà Trần Công Cần - Ảnh: Tư liệu gia đình

Năm 1925, ông Vàng xuống Sài Gòn học Collège Chasse-loup Laubat (trường Trung học Lê Quý Đôn ngày nay). Năm 1928, ông được theo người chú thứ năm là Trần Công Triệu sang Pháp tiếp tục học lấy bằng tú tài. Năm đầu (1928), ông Vàng học ở Toulouse. Đến 1930, ông lên Paris học ở Lycée Michelet cho đến năm 1931 đậu tú tài phần I và đậu tú tài phần II năm 1932.

Đến năm 1932, vì bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều địa chủ ở miền Nam phá sản. Ông Vàng cùng một người chú đi cùng phải trở về Việt Nam. Ông ra Hà Nội học Luật.

Năm 1936, đang học ở Hà Nội thì ông nhận được điện tín của cha gọi về gấp để làm... xã trưởng ở làng Phú Cường. Trước đó, ông xã trưởng ở làng vì tin người giúp việc nên bị hụt tiền công nho khá lớn, dẫn tới buồn phiền rồi tự tử. Cai tổng ở đó bèn đề nghị gia đình cho ông Vàng về thay vị trí đó. Được hai năm, ông Vàng không thích nên từ chức, sang Pháp tiếp tục học Nha khoa (năm 1938).

Ông Vàng trong bộ blouse khi làm bác sĩ tại Pháp - Ảnh: Tư liệu gia đình

Năm 1939, ông vô học ở trường Garancière quận 6. Năm 1940, Đức chiếm Paris. Năm 1941, xứ Pháp chia làm hai lãnh thổ. Ông tiếp tục học thêm ba năm nữa, đến năm 1943 (chương trình học 5 năm) thì tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris. Đến năm 1945, một người bạn Pháp cùng học ở trường trung học giúp ông một số tiền để mở phòng chữa răng riêng. Ông mở tới ba phòng Nha ở Pháp.

Ông Vàng thời sinh viên trường Y ở Paris - Ảnh: Tư liệu gia đình

Năm 1953, ông Cần viết thư cho biết đã già yếu, muốn con về để giao lại sự nghiệp. Ông Vàng trở về, mang theo các máy móc hành nghề nha khoa và làm việc tại Bệnh viện Bình Dân. Sau khi trường Đại học Y khoa Sài Gòn mở thêm phân khoa Nha thì ông Vàng đến giảng dạy cho đến năm 1974 thì về hưu. Trong thời gian giảng dạy, ông có mở hai phòng nha tại đường Hồ Văn Ngà (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm) và Lê Thánh Tôn ở Quận 1.

Sinh viên Nha khoa Sài Gòn vẫn còn nhớ Giáo sư Vàng, một người thầy tận tâm, nhiệt tình. Vào cuối mỗi niên khóa, ông thường đứng ra tổ chức các buổi liên hoan khiêu vũ hay các trận thi đấu đá banh... – những hoạt động sinh viên rất ưa thích. Họ được biết khi còn là sinh viên bên Pháp, ông cũng tham gia trong đội tuyển đá banh của trường. Thỉnh thoảng ông cho phép họ lên Thủ Dầu Một tổ chức picnic vào cuối tuần để thư giãn vui chơi trong các khu vườn rộng và đồn điền của gia đình ông.

Trong ký ức của mọi người trong và ngoài thân tộc, ông là một người nhân hậu, cởi mở, gần gũi với mọi người. Đối với dòng họ Trần, sự thành đạt của ông khi tốt nghiệp trường Nha ở Pháp và giảng dạy tại Đại học Y khoa Sài Gòn là niềm hãnh diện.

Các con lớn lập gia đình sống xa nhà nên ông Vàng gần gũi nhiều với cô con gái út Ánh Tuyết. Sau khi nghỉ hưu, ông quanh quẩn trong nhà, nghe radio, đọc sách báo, nghiên cứu Phật học, ngắm đám kiểng cổ ngoài sân qua làn khói từ ống pipe. Khi sắp giã từ cõi đời, ông còn đau đáu trong lòng trách nhiệm con trai trưởng thừa tự, gánh vác việc gìn giữ và bảo tồn căn nhà tổ. Đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Suốt thời kỳ kinh tế khó khăn, ông đã cố gắng giữ lại các đồ vật cổ xưa của tổ tiên để lại, đa số do ông cố Trần Văn Long mua sắm, truyền đến ông là đời thứ tư.

Cuối cùng, ông giao việc thừa tự, gìn giữ di sản cho Ánh Tuyết thay vì con trai theo tục lệ. Có lúc Tuyết hỏi ba vì sao có quyết định đó. Ông bảo từ lâu đã thấy cô con gái út thể hiện sự yêu quý căn nhà, biết chăm sóc và giữ gìn đồ cổ. Hơn nữa, các con trai lớn của ông từ lâu đã sống xa Thủ Dầu Một.

Bác sĩ Trần Công Vàng qua đời năm 1999 tại Thủ Dầu Một.

Ngôi nhà này cùng hai ngôi nhà cổ khác của họ Trần được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1993. Lúc 18 tuổi, khi được giao trọng trách gìn giữ ngôi nhà, chị Ánh Tuyết chỉ nghĩ đơn giản là phải giữ gìn và quét dọn. Càng về sau chị càng thấy việc này không đơn giản, bởi cần phải bảo tồn ngôi nhà bằng mọi giá. Qua những câu đối, bài phú, chị nghiệm ra những ý nghĩa, những lời giáo huấn sâu sắc mà tổ tiên để lại. Họ mong muốn con cháu noi theo làm người như chữ Chánh Trung – hiệu của gia đình (hiệu nhà ông Trần Văn Lân là Ngọc Thư – sách quý). Nếu sống ngay thẳng trong sạch, có tâm bác ái thì có thể thêm phước đức, từ đó có thêm cơ hội tiến gần đến Trường Cửu (như hiệu nhà ông Trần Văn Miên – lâu dài và vững bền).

Khách đến thăm có cảm giác ngôi nhà như bị đóng băng với thời gian. Từ dãy phố mới xây ngoài chợ Thủ Dầu Một, đường vào nhà phải băng qua những dãy sạp bán trái cây, thịt heo... có lẽ không khác gì cách nay mấy mươi năm khi bác sĩ Vàng còn nhỏ. Sân nhà đỏ rực sắc màu hoa sứ Thái Lan, thứ hoa chịu nắng. Hai cội mai già xanh um lá chắc đã từng khoe những bông hoa vàng hồi Tết vừa rồi. Khách chưa vào tới nhà đã nghe tiếng boong boong ngân dài của chiếc đồng hồ hiệu Westminster cũ kỹ. Dường như có tiếng cu gù văng vẳng đâu đây, mang âm hao một buổi trưa rất xa nhiều năm, khi Thủ Dầu Một thời thuộc địa trên bến dưới thuyền, sầu riêng măng cụt chở đi, mấy chiếc chở gốm Lái Thiêu đưa lên bờ. Như còn thấy mấy chú học trò trường Bá Nghệ Bình Dương đi xe ngựa lóc cóc về phía tòa nhà tỉnh trưởng. Mái nhà thấp gần sát đầu khách nhưng nhờ đó tạo một khoảng mát rượi trước hiên nhà. Ba bộ bàn ghế Tàu cẩn đá cẩm thạch còn nguyên vẹn. Trên mặt bàn đá, cái tượng đầu cô gái chít khăn bằng gỗ phủ sơn Nam Vang của hãng Thành Lễ nằm khiêm tốn. Không còn hai bộ ván ngựa hai bên nhà trước thời ông Hội đồng Trần Công Cần còn sống, đến thời ông Vàng, được thay bằng hai bộ bàn hột xoài thoải mái cho khách bận đồ lớn, mang giày Tây ngồi. Gian chính với ba tủ thờ đẹp lộng lẫy nhưng thâm trầm với mặt tủ cẩn ốc ánh lên trong bóng tối của gian nhà.

Ông Vàng đã mất cách nay hơn chục năm, các anh chị em đều ở xa nên chị Tuyết chấp nhận nghỉ việc ở Sài Gòn về chăm sóc ngôi nhà năm gian hai chái đã có tuổi thọ gần 130 năm này. Hàng cột 48 cây có lúc đã có vài cây bị hư hao, có lúc nước tràn vào nền nhà thấp. Nhà có kiến trúc đẹp theo kiểu xuyên trính, thể hiện rõ giai đoạn hưng thịnh nhất của nghệ thuật kiến trúc gỗ cuối thế kỷ 19: Các chi tiết chạm khắc, cẩn ốc dày đặc và hoàn toàn gắn kết bằng mộng gỗ, không dùng cây đinh nào...

Nhờ được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993 nên đã có một đợt trùng tu từ ngân sách nhà nước tiến hành tốn hàng tỷ đồng giúp ngôi nhà thêm vững chãi. Dù sao, ngôi nhà đã được chủ nhân giữ gìn khá tốt nên tránh được những bất cập của việc tu sửa di tích khá phổ biến.

Chị Ánh Tuyết, cháu năm đời của ông Trần Công Long là người xây nên ngôi nhà cổ số 21 Ngô Tùng Châu. Chị Tuyết được cha là bác sĩ Trần Công Vàng giao trực tiếp quản lý và giữ gìn ngôi nhà - Ảnh: Tư liệu gia đình

Cùng chồng và hai con sống dưới dãy nhà ngang, chị Tuyết không mấy khi mở cửa ngôi nhà trừ khi có khách vào dịp lễ, Tết. Nó mang nhiều kỷ niệm của gia đình và của riêng chị khi cha chị còn sống. Những dịp giỗ quảy đông đúc, bà con họ hàng từ hai căn nhà xưa cũng về nhà vui vầy. Bầy trẻ xúm quanh cụ Vàng đầu tóc bạc phơ, tay phe phẩy quạt.

Lúc đó, tên tuổi cụ tổ năm đời của chị Tuyết, ông Trần Văn Long, người xây ngôi nhà được nhắc đến. Hai căn nhà cổ gần đó do hai người anh em ruột của cụ xây cùng thời gian còn tồn tại đến nay tại Thủ Dầu Một, chứng kiến phước lộc trường thọ của gia đình họ Trần. Những cái thống, chóe men lam Hồi không còn qua thời gian và nhiều biến động của thời cuộc, nhưng phần lớn đồ đạc trong nhà dường như không suy suyển dù có hao mòn, cũ kỹ. Cái két sắt hiệu G&H Bauche vẫn đứng khuất sau hàng cột từng cất giữ bao của nả quý giá, bằng khoán ruộng đất, nay đã gỉ sét. Mớ sách cũ tiếng Pháp về ngành nha khoa trên kệ sách. Hai bên gian chính, hai tủ kính bày những món đồ sứ Tàu hiệu Ngoạn Ngọc, sứ Nhật hiệu Đại Nam. Mớ bình song tâm, bình lục giác Tàu đầu thế kỷ 20 cùng thời với ngôi nhà vẫn được chủ nhà mang ra để chưng hoa vạn thọ vào dịp lễ Tết. Cái khay trầu, ống ngoáy, tráp quả cẩn ốc sơn then...

Những món đồ giới sưu tập thích thú thì ở trong căn nhà được cất giữ như món đồ dùng trong gia đình, đợi dịp lấy ra dùng như suốt trăm năm qua. Dăm thứ trái cây bằng gốm bày trên đĩa có cái duyên mộc mạc của gốm cổ Nam Bộ. Hai gian phía sau là buồng ngủ chủ nhân. Là nhà cổ có quá trình sử dụng liên tục, các bàn thờ đầy đủ các trang thờ đặt các bài vị: Quan Thánh Đế Quân, Thổ Công, Đông Trù Tư Mệnh, Phước Đức Chánh Thần, Tài Thần....

Bình hoa trang nhã là gốm Thành Lễ chưng hoa chuối rẻ quạt cắt trong vườn nhà, cùng với đồ gỗ cẩn ốc tạo vẻ đẹp hài hòa, lộng lẫy - Ảnh: Đức Trí

Tấm di ảnh phúc hậu của cụ Cần cùng những bằng chứng nhận tiếng Pháp, dăm thứ đồ gốm Biên Hòa do người con rể mang về từ Sài Gòn cho nhạc phụ trang trí nhà lúc sinh tiền. Có lẽ những đồ vật xưa cũ được giữ lại và nâng niu sử dụng tạo nên không khí đó. Có thể nó được tạo nên từ hạnh phúc của gia đình nhỏ đang giữ gìn ngôi nhà, trong đôi mắt bé gái quây quần bên cha mẹ.

Trong bài viết trước khi mất của một người chị là cháu cụ Vàng mà chị Tuyết còn lưu giữ, hình ảnh ngôi nhà như một thế giới cổ tích đẹp đẽ trong tâm khảm của những con cháu họ Trần đang sống xa quê. Ở đó, họ như đám mây bay xa vẫn tiếp tục lưu truyền như ý nghĩa mấy chữ Hán trong tấm hoành trong phòng khách “Phái Diễn Vân Nhưng”.

 

Nội dung: Phạm Công Luận

Trích cuốn “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm”. Công ty sách Phan Book xuất bản tháng 1 năm 2021.

Thiết kế: Thư Lê