‘Viettel Money đang đi đúng hướng, tạo ra nhiều tác động cho kinh tế - xã hội Việt Nam’
Hoàng Ngân -
16/09/2023 16:26 (GMT+7)
(VNF) - Đó là lời khẳng định của ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (PTGĐ VDS) tại diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình” tổ chức ngày 14/9/2023.
Đại diện Viettel, PTGĐ VDS Trương Quang Việt tham gia Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số lần thứ I với vai trò là diễn giả phiên toàn thể, trong đó có sự tham gia của ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Gia Túc, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định.
Đồng thời, PTGĐ VDS Trương Quang Việt tham điều phối phiên thảo luận trong chuyên đề: “Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện”. Tại sự kiện, PTGĐ VDS đã chia sẻ những nhận định về phát triển hệ sinh thái tài chính số, thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.
Thanh toán số, tài chính số là mạch máu của nền kinh tế số, là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, là mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái của tập đoàn Viettel.
Trong suốt gần 35 năm không ngừng cống hiến và phát triển, Viettel chia sẻ đã luôn nỗ lực hoàn thiện để mang lại cho hơn 70 triệu khách hàng và hơn 90 triệu người dân Việt Nam những giải pháp công nghệ hiện đại, tiện lợi nhất, những trải nghiệm dịch vụ tối ưu nhất, được cá nhân hóa theo từng nhu cầu của người dùng. Trên mỗi chặng đường, hình ảnh người Viettel tiên phong gắn với những chuyển mình tích cực của nền công nghệ số tại Việt Nam.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, Viettel cho ra đời hệ sinh thái tài chính số Viettel Money. Viettel Money không chỉ mở ra một trang mới trong kỷ nguyên số hoá cho Tập đoàn Viettel, tác động tới nền kinh tế vĩ mô mà còn tạo động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội ở những cấp độ vi mô để mỗi người dân Việt Nam đều được hưởng lợi từ việc số hoá nền kinh tế.
Bằng số điện thoại Viettel, người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt, sử dụng mọi nơi, mọi lúc với hơn 300 tính năng, tiện ích đa dạng. Quá trình thanh toán, mua bán, nạp, rút, chuyển tiền được tối ưu hóa, trở nên nhanh chóng và tiện lợi - chỉ với thao tác đơn giản trên mọi thiết bị di động, ngay cả khi không có kết nối Internet, data.
Việc thừa hưởng kinh nghiệm, lợi thế sẵn có của Viettel với mạng lưới viễn thông phủ sóng 63 tỉnh, thành cho phép Viettel Money tiếp cận tới mọi tập khách hàng, bao gồm cả những đối tượng chưa đủ điều kiện tiếp xúc với công nghệ và các dịch vụ thanh toán - tài chính số.
Bên cạnh đó, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của ngành Fintech, chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định đến tăng trưởng quy mô khách hàng. Các nút thắt về hiệu quả hoạt động, chất lượng Viettel Money tập trung ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo để tối ưu trải nghiệm người dùng.
Thấu hiểu được mỗi người dùng có 1 nhu cầu, thói quen sử dụng khác nhau, “Trợ lý ảo” được Viettel Money bổ sung để nghiên cứu và phân tích thói quen, hành vi của người dùng, từ đó có thể nhắc việc, giúp người dùng ghi nhớ các thông tin quan trọng, nhanh chóng đề xuất ra các dịch vụ, tính năng phù hợp.
PTGĐ VDS Trương Quang Việt cũng khẳng định: “Cách mạng hóa nền kinh tế số, thay đổi những thói quen hành vi tiêu dùng của người dân không phải điều đơn giản. Nhưng nhìn vào những con số biết nói, Viettel hiểu rằng hệ sinh thái tài chính số toàn diện Viettel Money đang đi đúng hướng và tạo ra nhiều tác động to lớn cho xã hội Việt Nam”.
Tính tới nay, Viettel Money đã có nhiều tăng trưởng, đạt gần 1 tỷ giao dịch/năm. Hiện tại, Viettel Money có gần 25 triệu khách hàng, Mobile Money đạt gần 4 triệu thuê bao, mục tiêu đến hết năm 2023 đạt 5 triệu người dùng. Số lượng khách hàng đang sử dụng Mobile Money của Viettel hiện chiếm hơn 70% tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong đó 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Viettel Money với hạt nhân là Mobile Money không chỉ là một giải pháp kinh tê số mà còn là một giải pháp xã hội số với những tác động to lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên khắp Việt Nam, từ thành thị cho đến những vùng núi, hải đảo, giúp người dân hưởng lợi từ các hoạt động tài chính số dù ở bất cứ nơi đâu.
Nằm trong chiến lược phát triển các điểm bán hàng “thông minh” trực tiếp mô hình chợ 4.0 trên toàn quốc và dự án “Xã chuyển đổi thanh toán số - Xã 4.0” đã nhanh chóng triển khai trên toàn quốc, tạo nên 1 hệ sinh thái toàn diện, 1 hành trình trải nghiệm toàn trình với đa điểm chạm cho người dân.
Tính tới nay, đã có hơn 600 chợ 4.0, tiêu biểu là là chợ Cồn - Đà Nẵng, chợ Đại Từ - Thái Nguyên, chợ Tam Cờ - Tuyên Quang, chợ Cần Thơ, chợ Rồng - Nam Định.... đã áp dụng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai trên khắp 63 tỉnh thành, với sự tham gia của hơn 30 nghìn tiểu thương giúp lan tỏa lợi ích của thanh toán di động tới người dân và được nhiều chính quyền tỉnh ủng hộ, đề nghị mở rộng triển khai.
Đồng thời, dự án “Xã 4.0” đã được bắt đầu thí điểm tại 11 xã, tiêu biểu là xã Quảng Minh - Bắc Giang, Phúc Thành - Nghệ An, Hưng Long - Bình Phước, Đông Hưng - Cà Mau, xã Trực Cường - Nam Định... bước đầu đánh dấu bước đầu tạo nên hệ sinh thái tài chính số toàn diện tại các tỉnh, đặc biệt áp dụng công nghệ nhằm chuyển đổi số các dịch vụ công.
Không chỉ còn là một trào lưu hay xu hướng, ứng dụng công nghệ để phát triển hệ sinh thái tài chính số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số giờ đây đã trở thành trụ cột tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, Viettel cho biết đơn vị không đơn độc đi trên con đường này khi luôn có sự ủng hộ của bộ ban ngành nhà nước và cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp đoàn thể và đặc biệt là người dân trên khắp cả nước.
PTGĐ cũng tin tưởng hệ sinh thái tài chính số toàn diện Viettel Money sẽ tạo ra những cột mốc quan trọng trong tiến trình số hóa tại Việt Nam, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trong tương lai.
Ngày 14/9/2023, tại thành phố Nam Định đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số lần thứ I. Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức nhằm sớm hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra và huy động các sáng kiến đóng góp cho lộ trình phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Với chủ đề "Mang nền tảng Số đến hộ gia đình" sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn trao đổi thường niên của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam theo như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.
Thu hút hơn 1.000 đại biểu, sự kiện bao gồm phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên đề về các vấn đề liên quan như: phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số; phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện; dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone