Theo Deal Street Asia, các quỹ đầu tư thuộc VinaCapital đã tiến hành một đợt thoái vốn khỏi các cổ phần tư nhân và bất động sản tại Việt Nam với giá trị thoái vốn lên tới 100 triệu USD.
Cụ thể, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã chuyển số tài sản mà quỹ đang nắm giữ sang một quỹ mới được thành lập nhưng không nói rõ đó là những tài sản gì.
Là một quỹ đầu tư vào nhiều loại tài sản, VOF đã đầu tư vào nhiều loại hình công ty ở Việt Nam, từ công ty niêm yết, công ty vốn cổ phần tư nhân đến trái phiếu và cổ phiếu của các tập đoàn nhà nước đã được cổ phần hóa.
Tính đến ngày 30/6/2016, sau khi đã kiểm toán tổng giá trị tài sản ròng của VOF đạt 60 triệu USD. VinaCapital cho biết quỹ sẽ nhận được thu nhập ròng tối thiểu 100 triệu USD từ vụ thoái vốn này. Quỹ đã được thanh toán khoản đầu tiên (37 triệu USD). Số tiền còn lại được trả làm 2 lần trong các năm tiếp theo.
Đáng chú ý là ông Don Lam, Tổng giám đốc của VinaCapital, sẽ tiếp tục tham gia quản lý số tài sản này và sẽ tham gia vào quỹ mới với tư cách không kiểm soát.
Trong khi đó, thông qua 2 quỹ đầu tư là VinaLand (VNL) và Vietnam Infrastructure (VNI), VinaCapital đã hoàn thành việc thoái vốn tại 2 dự án bất động sản.
Trong một diễn biến khác, VNI cũng dự kiến sẽ bán toàn bộ cổ phần ở SEATH cho OCK Group, một tập đoàn viễn thông của Malaysia, dù thương vụ đáng chú ý này có thể bị hoãn lại vì "quá trình thoái vốn quá phức tạp".
"Đây là một giao dịch phức tạp và tốn thời gian hơn so với dự kiến. Tuy nhiên mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng và thương vụ sẽ khép lại trong ngắn hạn", trang DealStreetAsia dẫn lời ông Tony Hsun, giám đốc điều hành của VNI nói.
Vẫn theo Deal Street Asia, thông qua chi nhánh OCK Vietnam Towers, OCK Group đang chờ đợi cổ đông thông qua quyết định thâu tóm SEATH với giá 50 triệu USD.
OCK muốn thông qua thương vụ này để có thể thâm nhập thị trường Việt Nam, một trong những thị trường được đánh giá là "lớn nhất ở Đông Nam Á và có rất nhiều cơ hội tăng trưởng".
Hiện SEATH nắm 100% cổ phần của 3 công ty cung cấp trạm phát sóng cho điện thoại di động (BTS) ở Việt Nam, bao gồm VNC – 55 Infrastructure JSC, Mobile Information Service JSC và Global Infrastructure Investment JSC.
3 công ty này chiếm gần 70% giá trị tài sản ròng của VNI (tức gần 60 triệu USD tính đến ngày 30/9/2016); sở hữu và cho thuê 1.938 trạm phát sóng BTS và hơn 150 hệ thống viễn thông trong tòa nhà (IBS) với khách hàng là các nhà mạng Việt Nam.