Bất động sản

Vinaconex đầu tư khu công nghiệp hơn 6.300 tỷ tại Đông Anh

(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Vinaconex đầu tư khu công nghiệp hơn 6.300 tỷ tại Đông Anh

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Cụ thể, dự án sẽ do Vinaconex làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội với tổng vốn đầu tư hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 1.267 tỷ đồng.

Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45ha gồm 2 giai đoạn: giai đoạn I là 179,1ha và giai đoạn II là 120,35ha; trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Theo quyết định, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án tại thời điểm cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

Đồng thời tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai, quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan...

Trên địa bàn Hà Nội, tính đến cuối năm 2023 đã có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt hơn 95%. Nổi bật là khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), giai đoạn I diện tích 76,9ha đã có sáu dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ bản lấp đầy; khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) diện tích 36ha đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ phát; khu công nghiệp sạch Sóc Sơn với diện tích 302ha đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án...

Lũy kế đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 710 dự án, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD, 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya…

Tính riêng năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút đầu tư được 10 dự án mới, trong đó có 5 dự án trong nước, vốn đăng ký 491 tỷ đồng; năm dự án FDI, vốn đăng ký 170 triệu USD và 20 dự án mở rộng (vốn đầu tư tăng 137,6 triệu USD và 6.905 tỷ đồng). So với năm 2022, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư tăng 71,16%.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp mới, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư;

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động lựa chọn các dự án phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại...

Tin mới lên