Vinasun tiếp tục trượt dài, lợi nhuận giảm 58%

Hải Đường - 25/07/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Kể từ quý IV/2022, lợi nhuận của Vinasun (theo quý) liên tục sụt giảm so với quý liền trước. Chuỗi sụt giảm vừa được kéo dài khi hãng taxi báo lãi sau thuế quý II/2024 đạt 16,9 tỷ đồng, giảm 23% so với quý I/2024 và giảm 57,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận sụt giảm kéo dài

Công ty Cổ phần Ánh dương Việt Nam (Vinasun, HoSE: VNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần đạt hơn 253 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi chiếm tỷ trọng lớn nhất (85%), đạt 216,8 tỷ đồng; doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng (chiếm 13%) đạt 32,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp giảm mạnh ở mức 29%, đạt hơn 43,7 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp còn 17,28%, so với mức 20,45% của quý I/2023.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, hoạt động tài chính của Vinasun cũng không mấy khả quan khi doanh thu giảm gần 70% so với cùng kỳ, đạt 3,7 tỷ đồng chủ yếu là lãi tiền gửi và tiền cho vay.

Ngoại trừ chi phí tài chính giảm 25%, đạt 5 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 3,2% và 8% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 18,7 tỷ đồng và 20,5 tỷ đồng.

Trong quý II, Vinasun ghi nhận hơn 14,6 tỷ đồng từ các khoản thu nhập khác, tăng 35,7% so với cùng kỳ bao gồm hơn 10 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định, nhiều khả năng là thanh lý những xe taxi cũ.

Chốt quý, hãng xe này báo lãi sau thuế 16,9 tỷ đồng, giảm gần 57,8% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 23% so với quý I/2024. Đáng nói, nếu so sánh với quý liền trước, lợi nhuận của Vinasun đã có chuỗi sụt giảm kéo dài kể từ quý IV/2022 đến nay.

Theo giải trình kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo Vinasun cho biết công ty vẫn đang duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho nhân viên lái xe và đối tác, dẫn đến sự sụt giảm về doanh thu và ảnh hưởng tới toàn bộ kết quả kinh doanh.

Nhìn lại những năm gần đây của Vinasun, kể từ sau chuỗi thua lỗ kéo dài vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 (giai đoạn 2020-2021), tình hình kinh doanh của hãng xe này bắt đầu hồi phục từ quý I/2022 với khoản lợi nhuận sau thuế hơn 12 tỷ đồng.

Tăng trưởng lợi nhuận (so với quý liền trước) tiếp tục được ghi nhận trong quý II và quý III/2022, cho đến khi bắt đầu rơi vào chuỗi sụt giảm từ quý IV/2022 cho đến nay.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Vinasun đạt hơn 531 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh ở mức 58%, đạt gần 39 tỷ đồng. Các kết quả đạt được trong nửa đầu năm đã hoàn thành 48,1% kế hoạch về doanh thu và 48,4% kế hoạch về lợi nhuận mà Vinasun đề ra. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của hãng xe này cho năm 2024 cũng khá thận trọng so với mức thực hiện của năm 2023 khi các chỉ tiêu đều dự kiến đi lùi.

Cạnh tranh gay gắt trên thị trường gọi xe

Giới phân tích cho rằng, việc lợi nhuận của Vinasun ngày càng co hẹp trong thời gian gần đây đến từ việc phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trên thị trường gọi xe.

Ban lãnh đạo Vinasun nhận định sự canh tranh gay gắt này là thách thức thường xuyên của hãng xe, cũng là một trong những nguyên nhân khiến công ty đưa ra kế hoạch kinh doanh “giật lùi” như đã nêu trên.

Giai đoạn trước năm 2023, thị trường gọi xe là cuộc đua khốc liệt giữa taxi truyền thống và xe công nghệ khi các ứng dụng gọi xe như Grab, Uber, BE,… tạo một cơn sốt trên thị trường, buộc các hãng taxi truyền thống phải thay đổi, phải công nghệ hoá.

Từ giữa năm 2023, sau gần 1 thập kỷ kể từ khi các mô hình gọi xe công nghệ vào Việt Nam, thị trường gọi xe lại đối diện với làn sóng mới sau sự gia nhập của hãng taxi điện Xanh SM. Giới phân tích nhận định, một cuộc đua mới đã mở ra trên thị trường vận tải hành khách là cuộc đua về chuyển đổi xanh.

Hàng chục nghìn xe taxi điện đổ bộ thị trường

Trên thị trường, sự đổ bộ của cả chục nghìn taxi điện đã làm nóng lên xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện trong bối cảnh toàn cầu đang chung tay để cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải, giảm ô nhiễm. Người tiêu dùng cũng nhận thức được các vấn đề về môi trường và đón nhận khá tích cực đối với các dòng xe điện.

Trước những diễn biến mới của thị trường gọi xe, ban lãnh đạo Vinasun cho biết thị phần của hãng xe đã có sự ảnh hưởng. Để theo kịp các xu hướng chuyển đổi mới, lựa chọn của Vinasun là đầu tư vào dòng xe Hybrid - dòng xe lai kết hợp sử dụng động cơ chạy xăng và mô tơ chạy điện để có thể giảm 50% chi phí nhiên liệu so với xe xăng, đồng thời không mất thời gian sạc.

Năm 2024, Vinasun lên kế hoạch đầu tư 700 xe Hybrid, với chi phí khoảng 630 – 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, không dừng lại ở con số 700 xe mới, ban lãnh đạo hãng xe này cho biết mục tiêu đầu tư lên 1.000 xe Hybrid nếu điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, công ty còn hé lộ dự kiến thí điểm mô hình xe điện 3 bánh để vận chuyển hành khách, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm mẫu xe phù hợp.

Chủ tịch kỳ cựu rời ghế, khối ngoại ‘tháo chạy’: Điều gì đang diễn ra ở Vinasun?

Chủ tịch kỳ cựu rời ghế, khối ngoại ‘tháo chạy’: Điều gì đang diễn ra ở Vinasun?

Tài chính
(VNF) - Cổ phiếu VNS đã ghi nhận mức thanh khoản "khủng" trong phiên 14/5 khi khớp lệnh hơn 2,7 triệu cổ phiếu. Trong đó, khối lượng bán ra của khối ngoại lên tới hơn 2 triệu đơn vị.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.