Nhân vật

VinFast ‘rung chuông’ thành công, ông Phạm Nhật Vượng thành giàu thứ 5 châu Á

(VNF) - Ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú giàu nhất Việt Nam, đã chính thức gia nhập top 5 người giàu nhất châu Á sau khi cổ phiếu của hãng xe điện VinFast tăng 255% khi được chính thức giao dịch trên sàn Nasdaq (Mỹ), bổ sung thêm 39 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của ông.

VinFast ‘rung chuông’ thành công, ông Phạm Nhật Vượng thành giàu thứ 5 châu Á

Với khối tài sản lên tới 44,5 tỷ USD theo ước tính của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu thứ 5 châu Á.

Ngày 15/8, VinFast đã rung chuông ra mắt trên sàn Nasdaq, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu với mã giao dịch VFS.

Giá cổ phiếu VFS trong phiên mở cửa giao dịch nằm ở mức 22 USD, cao hơn gấp đôi so với mức 10 USD/cổ phiếu đã được thỏa thuận với Black Spade Acquisition, đối tác Spac của VinFast, vốn đã định giá VinFast ở mức 23 tỷ USD.

Theo Forbes, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Việt Nam đã tăng 255% trong phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq, có lúc cao đỉnh điểm lên tới 38,77 USD và chốt phiên ở mức hơn 37 USD. Theo dữ liệu của Refinitiv, khoảng 185 triệu USD cổ phiếu VFS đã được trao đổi.

Đại diện VinFast và đại diện Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq tại Lễ niêm yết cổ phiếu của VinFast. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Màn ra mắt thị trường ấn tượng này đã nâng giá trị tài sản ròng của ông Vượng lên 44,5 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 5 châu Á, theo dữ liệu của Forbes. Tuy nhiên, con số này này vẫn chưa được cập nhật trên danh sách tỷ phú theo thời gian thực của Forbes.

Giá trị thị trường của Vinfast nhờ đó cũng đã tăng gấp bốn lần lên 85 tỷ USD, cao hơn General Motors (46 tỷ USD) và Ford (48 tỷ USD), nhưng vẫn xếp sau gã khổng lồ xe điện Tesla có vốn hóa thị trường là 739 tỷ USD và đối thủ Trung Quốc BYD với 93 tỷ USD.

Theo danh sách tỷ phú của Forbes, Việt Nam hiện có 6 tỷ phú USD, đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng. Tiếp theo là tỷ phú Trần Đình Long của tập đoàn Hòa Phát với tài sản 2,4 tỷ US. Đứng thứ ba là tỷ phú CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản 2,2 tỷ USD.

Đứng ở vị trí thứ 4,5,6 lần lượt là Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD), Chủ tịch THACO Trần Bá Dương và gia đình (1,5 tỷ USD) và Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang với tài sản 1,3 tỷ USD.

Ông Bill Russo, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Automobility có trụ sở tại Thượng Hải cho hay: “Các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng rằng tương lai sẽ là xe điện và một quốc gia Đông Á có chi phí sản xuất thấp sẽ xuất hiện với tư cách một đối thủ cạnh tranh ở Mỹ. Các thị trường cho rằng xét về địa chính trị, Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, sẽ là quốc gia đó."

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, VinFast cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt nếu muốn tạo dựng vị trí ưu thế trên thị trường. Các công ty dẫn đầu trên thị trường xe điện, bao gồm Tesla của tỷ phú Elon Musk và BYD, được hậu thuẫn bởi tỷ phú Warren Buffett, cũng đã cắt giảm giá thành để tăng doanh số bán hàng.

Giám đốc điều hành của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty này đang thay đổi mô hình phân phối của mình, dựa trên cách tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng của Tesla, và dự kiến sẽ hợp tác với các đại lý trên thị trường quốc tế.

VinFast được thành lập năm 2017, tính đến ngày 30/6, VinFast đã bàn giao khoảng 19.000 ô tô điện bao gồm các mẫu VF e34, VF 5, VF 8, VF 9. Trong thời gian tới, VinFast sẽ tiếp tục ra mắt VF 6, VF 7, VF 3 tại Việt Nam và các thị trường quốc tế. Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật VƯợng dự báo doanh số năm nay đạt 45.000 - 50.000 xe. 

Trên phạm vi toàn cầu, VinFast đã xây dựng được mạng lưới bán lẻ và dịch vụ với 122 showroom và xưởng dịch vụ VinFast. Công ty này đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina vào tháng 7/2023. Nhà máy có công suất 150.000 xe mỗi năm trong giai đoạn 1 và sẽ đi vào vận hành từ năm 2025.

Xem thêm >> Động thái lạ của Trung Quốc khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ‘phá đỉnh’

Tin mới lên