Tài chính

Vingroup và những dự định dở dang

(VNF) – Việc giải tán Vinpearl Air là một động thái bất ngờ của Vingroup. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn này có những quyết định “khai tử” dự án đột ngột như vậy.

Vingroup và những dự định dở dang

Vingroup và những dự định dở dang

Kế hoạch Tập đoàn Tài chính Vincom: Chưa ra đời đã khai tử

Hơn 12 năm trước, khi thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, từng có kế hoạch xây dựng một tập đoàn tài chính, gồm các mảng: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Kế hoạch này đã được thực thi, theo đó Tập đoàn Tài chính Vicom gồm có các đơn vị thành viên: Công ty quản lý quỹ Vincom, Công ty chứng khoán Vincom, Công ty bảo hiểm Vincom, Ngân hàng Vincom.

Với chính sách “săn đầu người” từ sớm, Vingroup đã mời những nhân sự hàng đầu trong từng ngành về thực hiện dự án Tập đoàn Tài chính Vincom. Cụ thể, dự án bảo hiểm Vincom do ông Huỳnh Thanh Phong - Tổng giám đốc Prudential, làm Chủ tịch. Đi theo ông Phong là một nhóm các vị trí chủ chốt của Prudential Việt Nam. Còn với dự án ngân hàng Vincom, Vingroup mời bà Lê Thị Băng Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính, về làm chủ tịch.

Việc chạy đồng loạt 4 dự án cho thấy quyết tâm khá lớn của Vingroup đối với lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Đối diện tình thế này, trong 1 tuần, ban điều hành Vingroup đã họp liên tục và rất nhanh chóng đưa ra quyết định dừng kế hoạch lập Tập đoàn Tài chính Vincom.

Quyết định dừng này được đưa ra trong bối cảnh dự án ngân hàng Vincom đã có hàng trăm người được tuyển về, dự án bảo hiểm Vincom đã chuẩn bị xong toàn bộ chỉ chờ ngày ra mắt…

Đó hầu như là một cú sốc đối với những nhân sự đã được Vingroup mời về thực hiện kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng, khi đó, đã nói rằng: “Khi chúng ta ở trên một con thuyền đi trên biển, gió bão đến, chúng ta sẽ phải vứt bỏ bớt những thứ không phải là cốt lõi để tự cứu mình. Với Vingroup, cốt lõi là bất động sản nên thời điểm này các anh bắt buộc phải giữ và cứu Vingroup bằng mảng bất động sản. Anh xin lỗi các bạn nhưng anh phải dừng dự án tài chính”.

Một cựu nhân viên của Vingroup hồi ức lại sự việc này cho biết khi quyết định dừng dự án được ban hành, công tác xử lý rất nhanh chóng và chuyên nghiệp: hệ thống máy tính bị khóa ngay (đề phòng việc xóa, sao chép dữ liệu), Vingroup đền bù hợp đồng lao động với mức trả từ 6 tháng – 1 năm lương cho toàn bộ nhân sự…

Tất cả chỉ gói gọn trong một tuần!

Thực tế đã cho thấy quyết định dừng dự án tài chính của Vingroup là đúng đắn, bởi những năm sau đó, thị trường tài chính Việt Nam chìm sâu trong khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhờ cắt bỏ dự án tài chính, Vingroup vươn lên mạnh mẽ để trở thành nhà phát triển bất động sản số 1 Việt Nam.

Bán VinCommerce chỉ sau vài tháng công bố chiến lược phát triển 5 năm

Từ sau khi dừng dự án Tập đoàn Tài chính Vincom, Vingroup đã có 10 năm phát triển rực rỡ. Trong 10 năm đó, Vingroup đã liên tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh (thông qua việc lập mới hoặc thâu tóm các công ty khác) như: bán lẻ, giáo dục, y tế, nông nghiệp, thanh toán, nhà thuốc… và bây giờ là hai lĩnh vực cực khó: ô tô và điện thoại.

Kể từ lúc bắt tay vào hai lĩnh vực cực khó, Vingroup từ chỗ đa ngành đã bắt đầu thực hiện việc cắt giảm lĩnh vực kinh doanh. Lĩnh vực đầu tiên bị “khai trừ” là bán lẻ.

Ngày 3/12/2019, Vingroup ký thỏa thuận với Masan Group về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Theo thỏa thuận này, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty VinEco sẽ sáp nhập vào Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding.

Hình thức sáp nhập là Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Với công ty mới này, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Thỏa thuận giữa Vingroup và Masan được đánh giá là thương vụ bom tấn của năm 2019, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của Vingroup trong hành trình tái cơ cấu của tập đoàn này.

VinCommerce, với 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ tại 50 tỉnh thành, với tệp khách hàng lên tới hàng triệu; VinEco với 14 nông trường công nghệ cao… sau 5 năm phát triển đã thuộc về Masan.

Vingroup giã từ mảng bán lẻ (và cả nông nghiệp) một cách hết sức đột ngột, bởi chỉ trước đó vài tháng, tập đoàn này còn cho công bố chiến lược 5 năm cho VinCommerce.

Nhưng chưa hết, chỉ 2 tuần sau khi “bán con” cho Masan, Vingroup tiếp tục đặt dấu chấm hết cho lĩnh vực bán lẻ trực tiếp khi tuyên bố sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID và đóng cửa toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro.

"Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn”, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup, giải thích cho sự dở dang của mảng bán lẻ vốn được duy trì 5 năm qua.

Giải thể Vinpearl Air, kết thúc giấc mơ bay, chỉ sau 2 tuần trình hồ sơ lên Thủ tướng

Tưởng chừng việc chấm dứt mảng bán lẻ đã là thông tin gây sốc cuối cùng trong năm âm lịch 2019 thì chỉ sau đó chưa đầy một tháng, Vingroup lại tiếp tục khiến thị trường bất ngờ với quyết định “khai tử” dự án Vinpearl Air.

Vinpear Air là dự án đầy tham vọng của Vingroup trong việc “chia lại bầu trời” với những Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways…

Dự án được bắt đầu vào tháng 7/2019, khi Vingroup công bố hợp tác với tập đoàn CAE (Canada) trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

Vingroup thực hiện dự án hàng không với tốc độ rất nhanh khi chỉ sau 3 tháng, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (VinAviation) - thuộc Tập đoàn Vingroup, đã tổ chức lễ khai giảng khóa 1 chuyên ngành đào tạo phi công, với quy mô 180 học viên.

Và chỉ sau đó hơn 1 tháng, hồ sơ dự án Vinpearl Air đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Những thông số được Vingroup đưa ra đầy hấp dẫn: năm đầu tiên khai thác, Vinpearl Air  có kế hoạch khai thác 6 máy bay loại tầm ngắn, tầm trung thân hẹp 150-220 ghế như Airbus A320, A 321; trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay/năm và đến năm 2024 đội máy bay của Vinpearl Air đạt 30 chiếc…

Tuy nhiên, dự án 4.700 tỷ này đã chính thức dừng lại với thông cáo phát đi ngày 14/1/2020 của Vingroup – đúng 2 tuần sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình hồ sơ Vinpearl Air lên Thủ tướng Chính phủ.

Một lần nữa, Vingroup nhấn mạnh “đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của tập đoàn”. Không khó để thấy rằng Vingroup đang muốn “tất tay” cho dự án ô tô và điện thoại.

Tin mới lên