Vĩnh Hoàn bắt tay với Alibaba 'tấn công' thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân

Hoàng Lan - 12/06/2018 12:05 (GMT+7)

(VNF) - Tháng 9 năm ngoái, Vĩnh Hoàn bắt đầu cung cấp các sản phẩm cá tra cho công ty TMall Fresh của Alibaba. Đến nay, giá trị tổng sản phẩm cá tra mà Vĩnh Hoàn cung cấp cho thị trường Trung Quốc thông qua nền tảng trực tuyến này đã lên tới 3 triệu USD.

VNF
Vĩnh Hoàn ‘bắt tay’ với Alibaba tấn công thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE:VHC) công bố giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 29,8 triệu USD trong tháng 4, tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm 2017.

Tính trong quý I, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc của Vĩnh Hoàn tăng 30% về giá và 42% về lượng so với cùng kỳ.

Bắt tay với Alibaba, Vĩnh Hoàn đang dần chuyển từ phương pháp kinh doanh B2B (Bussiness to Bussiness) truyền thống sang kinh doanh B2C (Bussiness to Customer) để cung cấp nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời có thể giao tiếp với khách hàng thông qua các nhà bán lẻ.

Đây là bước đi quan trọng của Vĩnh Hoàn trong bối cảnh con đường dẫn đến các thị trường xuất khẩu truyền thống ngày càng bị thu hẹp lại do Mỹ và Châu Âu liên tục nâng mức thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam.

Việc dịch chuyển thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang Trung Quốc đã bắt đầu từ năm ngoái (2017). Và chiến lược này vẫn được Vĩnh Hoàn tiếp tục duy trì trong năm 2018.

Ngày 10 và 11/5 vừa qua, bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Tập đoàn Vĩnh Hoàn đã tham dự Hội nghị CEO Thực phẩm tươi sống toàn cầu 2018 (F20) do Alibaba tổ chức tại Trung Quốc.

Hội nghị này quy tụ 20 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống lớn nhất của Alibaba và có sự tham gia của chuỗi bán lẻ Win-Chain.

Win - Chain hiện đang cung cấp một giải pháp từ trang trại đến doanh số bán hàng trên kênh điện tử.  Thông qua giải pháp của Win-Chain, thực phẩm tươi sống từ nhà cung cấp có thể được chuẩn hóa để người tiêu dùng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận hơn.

Cũng tại hội nghị F20, các nhà cung cấp đã chia sẻ kiến thức về thị trường thực phẩm tươi sống của Trung Quốc, thói quen của người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng để kích hoạt kênh bán lẻ mới.

Bà Trương Thị Lệ Khanh đã đại diện cho Tổng công ty Vĩnh Hoàn ký biên bản ghi nhớ (MOU) của 20 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống với Alibaba và Win-Chain.

MOU nhấn mạnh vào việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp đáng tin cậy cho các loại thực phẩm tươi sống quan trọng ở Trung Quốc. Đồng thời, các bên cũng cam kết duy trì môi trường bền vững trong mọi quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ.

Với việc tấn công vào thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, năm 2018, Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư hơn 300 tỷ để phát triển vùng nuôi, tăng công suất nhà máy.

Trọng tâm của kế hoạch đầu tư năm 2018 là gia tăng công suất nhà máy Thanh Bình. Cụ thể, Vĩnh Hoàn sẽ đầu tư 100 tỷ đồng nâng cấp công suất nhà máy lên 150 tấn nguyên liệu/ngày.

Liên quan đến phát triển vùng nuôi, Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư 220 tỷ đồng để tăng sản lượng tự nuôi tại vùng nuôi 220 ha Long An lên 40%.

Ngoài ra, Vĩnh Hoàn còn chi 20 tỷ đồng nâng cấp xưởng sản xuất collagen và 35 tỷ đồng để mua sắm thiết bị nhà máy chế biến cá. Việc đầu tư này phục vụ mục tiêu tăng trưởng đột phá doanh thu các sản phẩm giá trị gia tăng của Vĩnh Hoàn trong năm nay.

Vĩnh Hoàn hướng tới mục tiêu xuất khẩu collagen và gelatin đạt 20 triệu USD trong năm 2018, hướng đến tỷ trọng 10% trên tổng doanh thu bán hàng vào năm 2020.

Trong cả năm 2018, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 9.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 10% so với năm 2017.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, các cổ đông cũng đã thông qua chiến lược, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico sẽ là các thị trường xuất khẩu chiến lược của Vĩnh Hoàn trong giai đoạn tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác