Tiêu điểm

VKSND Tối cao: 'Tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm kinh tế, tham nhũng khắc phục hậu quả'

(VNF) - VKSND tối cao cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước.

VKSND Tối cao: 'Tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm kinh tế, tham nhũng khắc phục hậu quả'

iện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát còn có chỉ tiêu về chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm các vụ, việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, nguyên nhân chủ yếu là do các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hành chính rất rộng, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai trong thực tế còn có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng chưa được hướng dẫn thống nhất, dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật, đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa Tòa án và Viện kiểm sát còn khác nhau.

Theo đó, tại kỳ họp này, VKSND tối cao đã kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu có cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chặt chẽ hơn và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng. "Từ thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự thời gian qua cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phạm tội là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn sơ hở, chưa chặt chẽ", ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước như môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm,... nhưng chưa được phát hiện sớm để xử lý, ngăn ngừa hoặc giảm bớt thiệt hại góp phần phòng ngừa tội phạm.

Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 mới chỉ xác định nội dung khởi kiện dân sự nên cần có cơ chế thí điểm giao cho một cơ quan thay mặt Nhà nước thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị hoặc khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại tới lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước.

Theo VKSND tối cao, làm được cơ chế này sẽ góp phần giảm bớt việc phải khởi tố, xử lý về hình sự trong một số trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

VKSND tối cao cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Ngoài ra, VKSND tối cao cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Tin mới lên