VN-Index hướng tới mốc 1.400 điểm trong nửa sau 2025?
(VNF) - VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt mốc 1.300 – 1.400 điểm trong nửa sau năm 2025 nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, những bất định từ bối cảnh quốc tế và áp lực nội tại vẫn đặt ra nhiều thách thức cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Áp lực ngắn hạn giảm, rủi ro dài hạn gia tăng
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận một số tín hiệu tích cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần lãi suất và lạm phát tại nhiều quốc gia đã hạ nhiệt, thậm chí một số nước đã chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ, các yếu tố như tỷ giá, lạm phát và lãi suất vẫn đang là mối lo ngại lớn. Dù vậy, thị trường tài chính toàn cầu không tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng mà vẫn trong trạng thái giằng co.
Tại Việt Nam, dù tỷ giá được giữ ổn định, lãi suất duy trì ở mức thấp và lạm phát được kiểm soát, thị trường chứng khoán chưa ghi nhận sự tăng trưởng đột phá. Nhiều thông tin tích cực, bao gồm triển vọng nâng hạng thị trường, vẫn chưa đủ để thúc đẩy sự bật tăng mạnh mẽ.
Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Kỳ Minh, Kinh tế trưởng Công ty Cổ phần Chứng khoán Goutai Junnan Việt Nam (IVS), cho rằng áp lực ngắn hạn trên thị trường đã giảm bớt, nhưng rủi ro dài hạn lại đang gia tăng. Cụ thể, Fed dự kiến tiếp tục giảm lãi suất, nhưng tốc độ có thể chậm hơn kỳ vọng khi chủ tịch cơ quan này khẳng định không vội vàng trong việc cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị leo thang cũng tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Tại Mỹ, việc ông Donald Trump chính thức đắc cử tổng thống cùng các chính sách mới có thể đẩy lạm phát tăng cao, khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm từng tiệm cận mức 4,5% - mức cao nhất từ năm 2006 trước giai đoạn đại suy thoái.
"Trong bối cảnh trung hạn có nhiều biến động khó lường, giới đầu tư toàn cầu đang trở nên thận trọng hơn. Mặc dù có những chuyển biến tích cực ngắn hạn, các nhà đầu tư vẫn hạn chế giải ngân vào các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam duy trì được sự ổn định về kinh tế và chính trị, tôi tin rằng việc thu hút dòng vốn đầu tư trở lại chỉ là vấn đề thời gian", ông Nguyễn Kỳ Minh nhận định.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), đánh giá rằng mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, nhưng các yếu tố bất định bên ngoài như sức mạnh của đồng USD hay lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao đã khiến dòng vốn quốc tế dịch chuyển về những nơi có lợi suất hấp dẫn hơn.
"Điều chúng ta có thể làm lúc này là cố gắng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hy vọng doanh nghiệp tận dụng được lợi thế trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, các yếu tố bất định như chính sách thương mại của ông Donald Trump chỉ có thể được giải quyết khi có thêm thông tin cụ thể", ông Hồ Quốc Tuấn chia sẻ.
Hướng tới mốc 1.300 – 1.400 điểm
Ông Nguyễn Kỳ Minh chỉ ra rằng tỷ giá và lãi suất là hai yếu tố khiến ông lo ngại hơn cả. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thành công trong việc ổn định sức mạnh VND và hạn chế "đô la hóa" cũng như "vàng hóa", áp lực duy trì thành quả này vẫn rất lớn.
"Dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam ước đạt khoảng 90 tỷ USD, sát ngưỡng khuyến nghị của các tổ chức quốc tế là ba tháng nhập khẩu. NHNN đang có ít dư địa hơn, nhưng tôi cho rằng khó khăn trong vài năm tới sẽ không quá lớn", ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết.
Ngoài ra, áp lực gia tăng lên tỷ giá, kết hợp với lợi suất trái phiếu dài hạn ở các thị trường phát triển duy trì ở mức cao, có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và lãi suất của Việt Nam. Nỗ lực giữ ổn định tỷ giá và lãi suất ở mức phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với NHNN.
Dẫu vậy, ông Nguyễn Kỳ Minh vẫn đánh giá triển vọng của Việt Nam là tích cực nhờ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và giải ngân đầu tư công được triển khai mạnh mẽ. Ông kỳ vọng dòng tiền sẽ được "cởi trói" khi vòng quay tiền tăng tốc, được bổ trợ bởi dòng tiền mồi từ đầu tư công. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quốc tế có thể quay lại Việt Nam khi chính sách kinh tế mới của ông Donald Trump được công bố vào đầu năm sau. VN-Index được dự báo sẽ đạt mức 1.300 – 1.400 điểm trong nửa sau năm 2025.
Ông Hồ Quốc Tuấn bổ sung rằng nếu muốn tạo đột phá vào năm 2025, Việt Nam cần tập trung vào đầu tư công thay vì chỉ dựa vào yếu tố tỷ giá và lãi suất.
"Chỉ khi đẩy mạnh đầu tư công, chúng ta mới có được sức bật mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, xét tình hình hiện tại, tôi cho rằng việc thị trường duy trì ở mức hiện nay đã là một thành công. Để thu hút dòng tiền vào thị trường, cần thêm những câu chuyện mới thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư", ông Tuấn nhận định.
Ông cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư quốc tế đang chờ theo dõi tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN trước khi quyết định phân bổ dòng vốn. Hiện tại, trong khi nhiều thị trường châu Á gặp khó khăn, Ấn Độ đã trở thành điểm sáng hút dòng vốn ròng trong khu vực tháng qua. Điều này lý giải vì sao thị trường Việt Nam vẫn đang trong trạng thái "chờ đợi".
Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
- Đà phục hồi của VN-Index sắp bị đe dọa bởi các nhịp rung lắc? 24/11/2024 08:38
- VN-Index xuống dưới mốc 1.200 điểm rồi bật tăng: Liệu đã tạo đáy? 20/11/2024 03:52
- VN-Index tìm về mốc 1.200 điểm, chuyên gia cảnh báo đừng ‘bắt dao rơi’ 17/11/2024 07:35
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.