Bất động sản

VNR kêu cứu Thủ tướng vì 'bị đẩy đến bước đường cùng, khó trụ vững đến hết tháng 4'

(VNF) - Theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh, hàng chục nghìn lao động ngành đường sắt có nguy cơ sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

VNR kêu cứu Thủ tướng vì 'bị đẩy đến bước đường cùng, khó trụ vững đến hết tháng 4'

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị khẩn gửi đến Thủ tướng Chính phủ liên quan việc xây dựng đề án án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Trong văn bản kiến nghị, lãnh đạo VNR cho biết tính đến thời điểm này, do ảnh hưởng kéo dài, bất thường của đại dịch Covid-19 cũng như việc thi công gói đầu tư 7.000 tỷ đồng thuộc nguồn vốn trung hạn, trong điều kiện đường đơn, vừa chạy tàu, vừa thi công, ngành đường sắt đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Điều này khiến 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.

“Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021”, văn bản kiến nghị của VNR nêu vấn đề.

Theo VNR, đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tới thời điểm này vẫn tiếp tục tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, gia tăng cấp phép, phê duyệt dề án con (giấy phép con).

Đặc biệt, đề án của Bộ Giao thông Vận tải vẫn đề xuất cơ chế giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam (cơ quan chỉ thực hiện chức năng tham mưu trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và không quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt).

VNR cho rằng đề án của Bộ Giao thông Vận tải không những không khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn gây ra rất nhiều đình trệ, ách tắc cho VNR, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải.

Để giải quyết tình trạng trên, lãnh đạo VNR đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiêm túc thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

VNR cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Bộ Giao thông Vận tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho VNR như các năm trước.

Trong năm 2020, sản lượng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 6.565,1 tỷ đồng; bằng 78,3% so với cùng kỳ. Với công ty me, tổng doanh thu đạt 1.713 tỷ đồng, đạt 81,6% so với kế hoạch và bằng 66,6% so với cùng kỳ. Dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng.

Tin mới lên