Vốn góp không tăng, FDI 4 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt mức kỷ lục

Anh Hùng - 25/04/2019 15:17 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù không có nhà đầu tư nước ngoài nào góp vốn cũng như mua cổ phần trong tháng 4 nhưng FDI 4 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt mức kỷ lục trong 4 năm trở lại đây.

VNF

Tính đến ngày 20/4/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. 

Trước đó, trong quý I/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, trong tháng 4, FDI đã tăng thêm hơn 3,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây, FDI 4 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù không có nhà đầu tư nước ngoài nào góp vốn cũng như mua cổ phần trong tháng 4, tuy nhiên giá trị vốn đầu tư đăng ký lại tăng mạnh nhờ vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư.

Cụ thể, lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là 1.653 với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, bằng với quý III/2019, tuy nhiên con số này vẫn gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018.

Còn về đăng ký cấp mới, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018. Về điều chỉnh vốn, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong khi đó, theo đối tác đầu tư, Hồng Kông vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Còn đứng vị trí thứ ba là Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư.

Thống kê theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,47 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD chiếm 7% tổng vốn đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác