Ngân hàng

VPBank lãi đậm 'năm Covid': Khi 'vua' tiêu dùng dồn lực vào bất động sản

(VNF) - Trong bối cảnh năm 2020 đầy khó khăn, "vua" tín dụng tiêu dùng VPBank đã dồn lực sang mảng bất động sản để cải thiện khả năng sinh lời.

VPBank lãi đậm 'năm Covid': Khi 'vua' tiêu dùng dồn lực vào bất động sản

VPBank lãi đậm 'năm Covid': Khi 'vua' tiêu dùng dồn lực vào bất động sản

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 vừa được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) công bố cho thấy kết quả kinh doanh tích cực bất chấp 2020 là một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, lũy kế cả năm 2020, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 13.019 tỷ đồng, tăng tới 26% so với năm 2019.

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là ngân hàng này vẫn tăng trưởng được nguồn thu trong năm vừa qua.

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 39.033 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động tín dụng đem về thu nhập lãi thuần 32.345 tỷ đồng, tăng 5,5%.

Cần lưu ý rằng, 2020 là năm "khó khăn kép" với VPBank khi ngân hàng này không chỉ phải chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 hơn so với các ngân hàng khác do mảng tài chính tiêu dùng chịu ảnh hưởng lớn bởi sự suy giảm thu nhập và tâm lý thận trọng của người dân, mà còn phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của FE Credit theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN.

Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào cấu phần cho vay. Tính đến hết năm 2020, tổng dư nợ cho vay của VPBank ở mức 290.816 tỷ đồng, tăng 13% sau một năm. Tuy nhiên, cơ cấu cho vay có sự thay đổi đáng kể.

Tỷ trọng khoản mục "Hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình" trong tổng dư nợ cho vay giảm mạnh từ 43,16% hồi cuối năm 2019 xuống chỉ còn 38,88% cuối năm 2020. Một khoản mục khác liên quan đến tài chính tiêu dùng cũng bị giảm tỷ trọng là "Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác" cũng bị giảm tỷ trọng từ 11,5% xuống 10,95%.

Thay vào đó, hai khoản mục ghi nhận tỷ trọng tăng mạnh là "Hoạt động kinh doanh bất động sản" tăng từ 9,48% cuối năm 2019 lên 12,7% cuối năm 2020, trong khi tỷ trọng "Cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở" tăng từ 10,63% lên 12,49%.

Bên cạnh đó, lĩnh vực cũng liên quan đến bất động sản là "Xây dựng" cũng ghi nhận tăng tỷ trọng cho vay từ 8,4% lên 8,49%.

Rõ ràng, trong bối cảnh năm 2020 đầy khó khăn, "vua" tín dụng tiêu dùng VPBank đã dồn lực sang cho vay bất động sản để cải thiện khả năng sinh lời.

Đó là chưa kể đến số dư trái phiếu doanh nghiệp tăng cực mạnh, điều này được thể hiện qua khoản mục "Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành" tăng hơn gấp đôi, từ 14.222 tỷ đồng lên 31.804 tỷ đồng chỉ trong năm 2020.

Mặc dù VPBank không thuyết minh rõ mua trái phiếu của doanh nghiệp ngành nào nhưng theo thống kê của HNX, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2020 là của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản, nghĩa là nếu chỉ xét tổ chức kinh tế thì bất động sản là ngành đứng đầu về dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh việc cố gắng gia tăng nguồn thu tín dụng, VPBank cũng tiết giảm mạnh chi phí hoạt động. Năm 2020, chi phí này đã giảm 7,7%, tương đương giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nhờ vậy, dù tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng ngân hàng này vẫn báo lãi năm 2020 tăng tới 26%.

Về nợ xấu, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy tổng nợ xấu của VPBank đến hết năm 2020 là 9.923 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu hợp nhất trên dư nợ cho vay là 3,4%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất ở mức 45%.

Nếu loại trừ FE Credit, chỉ xét ngân hàng mẹ, quy mô nợ xấu cuối năm của VPBank ở mức 5.578 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay là 2,52%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 51%. Các con số này đều chỉ ở mức trung bình trong ngành ngân hàng.

Tin mới lên