VPBank: Nóng chuyện nhận 'ngân hàng 0 đồng' và nợ tại FE Credit

Mai Anh - 30/04/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Việc nhận về 1 'ngân hàng 0 đồng' và nợ xấu tại FE Credit là mối quan tâm lớn của cổ đông tại ĐHĐCĐ của VPBank.

Đủ khả năng nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng 0 đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) ngày 29/4 đã tổ chức phiên họp thường niên năm 2024.

Một trong những nội dung được cổ đông quan tâm là về lý do VPBank tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Hiện có 4 "nhà băng 0 đồng" gồm Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Trước câu hỏi của cổ đông: "Tại sao VPBank lại tham gia cơ cấu ngân hàng 0 đồng?", ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank chia sẻ về năng lực tài chính, quản trị, không phải nhà băng nào cũng được tham gia tái cơ cấu những ngân hàng 0 đồng. Đặc biệt khi những ngân hàng này đều đang ghi nhận lỗ lũy kế lớn, hoạt động liên tục thua lỗ.

Ông Dũng cho biết, đơn thuần ở góc độ tài chính, hầu hết ngân hàng không thiết tha tham gia tái cơ cấu nhưng VPBank tham gia vì những mục tiêu khác.

Theo ông Dũng, sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC giúp VPBank có nền tảng vốn lớn, đủ khả năng tham gia. Việc cơ cấu này không mang lại lợi ích tài chính nhưng giúp ngân hàng đẩy nhanh chiến lược mở rộng. Trong đó, việc tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn và khả năng được mở "room ngoại" trên 30% là lợi ích mà VPBank hướng tới. Về mặt tài chính thì có thể các ngân hàng không quan tâm, nhưng cơ chế, chính sách khi tham gia lại phù hợp và hấp dẫn với VPBank.

Ngoài ra, việc tham gia cơ cấu còn giúp hệ thống ngân hàng tốt hơn, được lãnh đạo VPBank đánh giá là sự đóng góp cần thiết.

“Cổ đông hoàn toàn yên tâm vì chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng, việc này hoàn toàn dựa trên lợi ích của ngân hàng và cổ đông,” ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank nói.

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ của VPBank, tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của TCTD được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tại thời điểm 31/12/2023; vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.

Nóng chuyện FE Credit và cho vay bất động sản

Năm 2023, VPBank không đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra. Nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ gần 14.000 tỷ đồng, 80% kế hoạch. Nhưng FE Credit lỗ gần 3.700 tỷ đồng khiến lợi nhuận hợp nhất giảm mạnh.

Tại đại hội, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh thẳng thắn thừa nhận với các cổ đông những vấn đề của ngân hàng đến từ câu chuyện nợ xấu tại công ty con FE Credit.

Theo ông Vinh, sự phục hồi yếu của nền kinh tế, khủng hoảng về thanh khoản, trái phiếu và thị trường bất động sản là yếu tố khách quan tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động của VPBank. 

Ông Vinh cho biết, 2 năm Covid-19 khiến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ. Năm 2023, việc thu hồi nợ của FE Credit giảm tới 50%.

Kết quả kinh doanh của FE Credit thua lỗ trong năm qua dẫn đến bức tranh chung về lợi nhuận của ngân hàng không đạt kỳ vọng.

Nhưng tình hình của FE Credit đang tốt lên. Từ quý IV năm trước, hoạt động của FE Credit có sự phục hồi.

Theo CEO VPBank, tăng trưởng cho vay của công ty tài chính này đạt hơn 20% trong quý IV năm trước và tăng tiếp 20% trong quý I năm nay. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm về dưới 20%.

Ông Vinh tự tin khẳng định lợi nhuận năm 2024 của FE Credit sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này từng đóng góp tới 40% lợi nhuận cho VPBank.

Một nội dung khác được cổ đông VPBank quan tâm là cho vay với lĩnh vực bất động sản.

Ông Ngô Chí Dũng đánh giá mảng này "vẫn là lĩnh vực an toàn, nếu được kiểm soát, đánh giá đúng". Có chăng cho vay thời điểm thị trường sốt sẽ dẫn đến những tiêu cực. Cho vay bất động sản vẫn là một lĩnh vực tiềm năng, quan trọng, nhưng nó phải được quản lý và thắt chặt.

Tỷ trọng cho vay mảng bất động sản, xây dựng của VPBank hiện là hơn 19% tổng dư nợ. Với phân khúc cho vay người mua nhà, dư nợ khoảng 16%.

"VPBank hiện là một trong những ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất thị trường, khoảng 90.000 tỷ đồng", CEO VPBank cho biết.

Trước thắc mắc của cổ đông về khó khăn trong thị trường bancassurance (mô hình kinh doanh bảo hiểm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm), ông Vinh nói năm vừa rồi, hoạt động bancassurance tại các ngân hàng đều giảm sút nhưng đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng.

Năm nay, VPBank đặt kế hoạch tham vọng với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất hơn gấp đôi năm trước, đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ dự kiến hơn 20.700 tỷ đồng. FE Credit kỳ vọng đóng góp 1.200 tỷ, Chứng khoán VPBank (VPBankS) hơn 1.900 tỷ và Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ VPBank cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% (01 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Ngân sách dành cho việc chia cổ tức lên đến 7.934 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp cổ đông VPBank được nhận cổ tức bằng tiền mặt. Thời điểm chia cổ tức dự kiến quý II hoặc quý III/2024.

Trong năm 2024 VPBank cũng sẽ phát hành thêm tối đa 30 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 10.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua kế hoạch phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu quốc tế bền vững. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 hoặc quý I/2025.

Ngoài ra, các cổ đông VPBank cũng bỏ phiếu tán thành tăng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 7 lên 9 thành viên, trong đó có một thành viên độc lập.

Hai nhân sự vừa được bầu thêm trong phiên họp hôm nay gồm ông Takeshi Kimoto (đại diện từ cổ đông chiến lược SMBC) và bà Phạm Thị Nhung - Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại.

Cùng chuyên mục
Tin khác