Tài chính quốc tế

Vụ bắt tàu chiến Ukraine: Thủ tướng Anh lại lấy đòn trừng phạt để ‘uy hiếp’ Nga

(VNF) - Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu Nga lập tức trả tự do cho 3 tàu chiến cùng 24 thủy thủ Ukraine và cảnh báo sẽ kêu gọi những biện pháp trừng phạt thích đáng đối với nước này.

Vụ bắt tàu chiến Ukraine: Thủ tướng Anh lại lấy đòn trừng phạt để ‘uy hiếp’ Nga

Thủ tướng Anh Theresa May.

Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay tới Argentina dự hội nghị thượng đỉnh G20, bà May khẳng định: "Chúng tôi luôn luôn đi đầu trong Liên minh châu Âu (EU) về việc kêu gọi trừng phạt Nga liên quan đến cách hành xử của nước này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy những gì chúng tôi xem là biện pháp trừng phạt thích đáng đối với Nga”

Theo nhà lãnh đạo Anh, việc hải quân Nga bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine ngày 25/11 vừa qua tiếp tục là một động thái thể hiện cách hành xử khó chấp nhận của Nga.

“Họ (Nga) phải thả tàu cùng các thủy thủ Ukraine và xuống thang tình hình", bà May nhấn mạnh.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine rơi vào tình trạng căng thẳng đỉnh điểm sau khi Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 25/11 xác nhận các tàu của hải quân nước này đã dùng vũ khí chặn bộ ba tàu Ukraine có hành vi xâm phạm lãnh hải Nga ở Biển Đen một cách bất hợp pháp.

Phía tàu Nga đã nổ súng về nhóm tàu Ukraine đi vào vùng biển gần Crimea, và kéo các tàu về cảng Kerch trên bán đảo nằm ở phía bắc Biển Đen.

Nga cáo buộc chiến hạm Ukraine xâm phạm lãnh hải, gây nguy hiểm trên vùng biển của nước này ở Biển Đen. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc tàu Nga nổ súng khi ba tàu của họ đã rút khỏi khu vực cách lãnh hải Nga 20 km. Moscow cho biết ba thủy thủ Ukraine bị thương và không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng Kiev công bố số người bị thương là 6.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine rơi vào tình trạng căng thẳng đỉnh điểm sau khi Nga bắt giữ tàu chiến Ukraine trên Biển Đen.

Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev ngày 26/11 cho biết 24 thủy thủ đoàn trên tàu chiến Ukraine hiện đang bị tạm giữ và chờ hầu tòa. Nga sẽ xét xử và trừng phạt thích đáng những người này.

Tổng thống Ukraine Petro Porochenko mới đây đã kêu gọi các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa tàu chiến đến biển Azov để ngăn chặn Nga và đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu không hưởng ứng những phát biểu và lời kêu gọi này của ông Porochenko.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, trong bối cảnh đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine, giải pháp quân sự hoàn toàn bị loại trừ vì đó là điều hoàn toàn vô ích.

Trước đó, bà Federica Mogherini, Cao uỷ phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, ngày 28/11 cũng đưa ra tuyên bố yêu cầu Nga đảm bảo việc tự do đi lại không cản trở tại eo biển Kerch, nhưng hoàn toàn không đề cập đến khả năng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với Nga.

Xem thêm >> Ukraine: Điều tàu chiến tới eo biển Kerch không phải là 'một sai lầm'

Tin mới lên