Tài chính quốc tế

Vụ bắt tàu Ukraine: ‘Hành động dung túng của Mỹ khiến Nga chán nản’

(VNF) - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng Mỹ đã khích lệ những hành động khiêu khích của Ukraine trên Biển Đen và điều này khiến Nga ‘vô cùng chán nản’.

Vụ bắt tàu Ukraine: ‘Hành động dung túng của Mỹ khiến Nga chán nản’

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko.

“Các tàu chiến của Ukraine hôm 25/11 đã phớt lờ luật hàng hải khi họ tìm cách đi vào eo biển Kerch nhằm tạo ra một vụ rùm beng với mục đích chính trị trong nước của họ”, ông Sergei chia sẻ với các phóng viên ở Geneva ngày 28/11.

Ngoại trưởng Nga cho biết các nhân viên biên giới và điều tra viên nước này đã đưa ra các tài liệu cho thấy rõ ràng 3 con tàu của Ukraine đã được lệnh không thông báo cho phía Nga khi qua Eo biển Kerch và cố gắng thâm nhập vào Biển Azov một cách bí mật.

Theo ông Sergei, Mỹ đã "dung túng" cho các hành động khiêu khích của Ukraine và điều này khiến Nga "vô cùng chán nản". Thay vào đó, Nga nghĩ "Mỹ nên làm trung gian hòa giải cho Kiev và những người nổi dậy tại những khu vực của Ukraine".

Cũng trong ngày 28/11, phát biểu trong một diễn đàn ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sự cố tại biển Azoz ngày 25/11 vừa qua là một sự dàn xếp mang tính khiêu khích do Ukraine dựng lên.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định tuần duyên Nga đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự của mình, thực thi chức năng được luật pháp quy định để bảo vệ biên giới Nga.

Hư hại trên một trong những con tàu của Ukraine bị Nga bắt giữ trên eo biển Kerch.

Đồng thời ông Putin nói không lấy làm lạ khi phương tây sẵn lòng bỏ qua các vấn đề với những chính trị gia Ukraine bởi vì họ cùng mang tư tưởng bài trừ Nga.

Theo cáo buộc từ Nga, 3 tàu hải quân Ukraine ngày 25/11 đã xâm phạm lãnh hải nước này. Dù Nga đã nhiều lần cảnh báo nhưng phía Ukraine vẫn phớt lờ và buộc Moscow phải dùng vũ lực. Nga đã bắt giữ 24 thủy thủ và 3 tàu hải quân của Kiev.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng cáo buộc Nga có hành động gây chiến và ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, có hiệu lực cho đến tháng 1/2019.

Trong lúc căng thẳng với Nga leo thang, Kiev chủ động đàm phán với Washington về khả năng xây dựng một căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này.

Quan hệ giữa Moscow và Kiev xấu đi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai tại tỉnh Donetsk và Lugansk, nhưng Điện Kremlin bác bỏ. Chiến sự ở Đông Ukraine đến nay vẫn kéo dài mà chưa bên nào giành được lợi thế rõ ràng.

Xem thêm >> Ukraine ‘cầu cứu’ NATO, kêu gọi Đức chấm dứt ‘Dòng chảy phương Bắc 2’

Tin mới lên