Vụ ‘quỹ đen’ ở Cục Đường thủy nội địa: 9 cá nhân ‘dính chàm’, buộc thu hồi 4,8 tỷ đồng
Thụy Khanh -
05/09/2018 10:49 (GMT+7)
(VNF) – Bộ Giao thông vận tải xác định có 9 cá nhân dính vào chuyện chi tiền từ khoản thu của các nhà thầu.
Liên quan đến nghi vấn có “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (được phản ánh trên báo Pháp luật TP. HCM), ngày 1/8/2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1644/QĐ - BGTVT về việc “Thụ lý và thành lập Tổ xác minh nội dung thông tin phản ánh trên Báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 01/8/2018”.
Kết luận của Tổ xác minh vừa được Bộ Giao thông vận tải công bố.
Cục phó Đường thủy nội địa chỉ đạo nhận tiền từ nhà thầu?
Theo bản tường trình và biên bản làm việc số 18/BB-XM ngày 16/8/2018 giữa Tổ xác minh với của ông Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) nội dung vụ việc được ông Phạm Văn Thông tường trình và khai nhận, như sau:
Vào cuối năm 2015 đến năm 2016, trong giờ làm việc có một số nhà thầu đến phòng làm việc của ông Thông (Phòng 507 tầng 5 tòa nhà trụ sở của Cục Đường thủy nội địa tại số 5 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) và đưa tiền cho ông Thông. Các nhà thầu nói: “Ông Trần Đức Hải - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa nói đưa tiền cho ông Thông”.
Sau đó: “Ông Thông có hỏi ông Trần Đức Hải ‘em có liên quan gì mà các nhà thầu đưa tiền cho em?’ ông Hải trả lời ‘chú cứ cầm đi’”.
Những công trình mà những nhà thầu đưa ông Thông tiền thuộc năm 2015 (thời điểm đó Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa không phải chủ đầu tư), chủ đầu tư là Cục Đường thủy nội địa ký hợp đồng với các nhà thầu, Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa là tư vấn giám sát.
Sau khi được ông Trần Đức Hải chỉ đạo, ông Thông đã nhận tiền của các nhà thầu. Tuy nhiên ông Thông không biết chi tiết việc Cục Đường thủy nội địa và các thầu làm việc như thế nào.
Theo Tổ xác minh, việc ông Trần Đức Hải chỉ đạo ông Phạm Văn Thông nhận tiền của 15 nhà thầu vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là “chỉ đạo bằng miệng, chỉ là lời khai một phía của ông Phạm Văn Thông”. Vì vậy chưa xác định được việc ông Trần Đức Hải có chỉ đạo hay không?
Mặt khác, nội dung lời tường trình của ông Phạm Văn Thông chưa được kiểm chứng (như đối chất, nhân chứng biết việc….) cho nên lời khai của ông Thông cho rằng có sự chỉ đạo bằng miệng của ông Hải là chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật.
Danh sách 15 công ty đưa tiền cho ông Thông: Có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ pháp lý
Kết luận nội dung của Tổ xác minh đã nêu đầy đủ danh sách 15 công ty đưa tiền cho ông Phạm Văn Thông (do báo Pháp luật TP. HCM cung cấp), gồm: Công ty tư vấn GTCC Hải Phòng (628.106.364 đồng), Công ty Đất Việt (258.833.182 đồng), Công ty FS (27.900 USD), Công ty QLĐTNĐ số 2 (200), Công ty QLĐTNĐ số 6 (140.000.000), Công ty QLĐTNĐ số 7 (90,0), Công ty tư vấn Việt Hà (191.400.000);
Công ty tư vấn Sơn Hà (187.000.000), Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình thủy (321.000.000), Công ty HCC và Công ty ALPHA (180.000.000), Trung tâm tư vấn Đại học Hàng hải Việt Nam (662.366.106), Công ty tư vấn 89 (330.000.000), Công ty Thịnh Phát (140.000.000), Công ty cổ phần QLĐTNĐ Thanh Hóa (500.000.000 đ), Công ty Lũng Lô (424.000.000).
Tuy nhiên, trong số 15 công ty trên, có 8 công ty mà người nộp tiền không có chữ ký gồm: Công ty FS (không có chữ ký của ông Đinh Văn Phượng), Công ty QLĐTNĐ số 2 (không có chữ ký của ông Vũ Huy Thê), Công ty QLĐTNĐ số 6 (không có chữ ký của ông Định), Công ty QLĐTNĐ số 7 (không có chữ ký của ông Trần Văn Thanh), Công ty tư vấn Sơn Hà (không có chữ ký của ông Trần Quốc Luận), Công ty Thịnh Phát (không có chữ ký của ông Biện Trường Thao), Công ty cổ phần QLĐTNĐ Thanh Hóa (không có chữ ký của ông Hoàng Văn Huy), Công ty Lũng Lô (không có chữ ký của ai).
Đặc biệt, có 2 trường hợp là Công ty tư vấn Việt Hà và Trung tâm tư vấn Đại học Hàng hải Việt Nam, Tổ xác minh nhận định nhiều khả năng không phải chữ ký của người nộp tiền, “có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ pháp lý”.
Tổ xác minh cho biết các nhà thầu phủ nhận việc bàn bạc với Cục Đường thủy nội địa về trích tỷ lệ phần trăm từ 6%, 10%, 15% đến 20%; không nghe ai chỉ đạo nộp tiền; không nộp tiền cho ông Phạm Văn Thông.
“Vì vậy, nội dung thông tin phản ánh trên Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/8/2018 về việc các nhà thầu trúng thầu phải trích phần trăm như đã nêu ở trên, nội dung phản ánh là chưa có cơ sở”.
Ông Thông có thu, giữ, chi tiền cho các cá nhân Cục Đường thủy nội địa
Về việc ông Phạm Văn Thông nhận tiền, kết luận của Tổ xác minh cho hay trên giấy tờ, tổng cộng ông Phạm Văn Thông đã nhận tiền của 15 nhà thầu với tổng tiền là 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ xác minh lại có tới 10 nhà thầu không ký tên.
5 nhà thầu có ký tên nộp tiền gồm: Công ty tư vấn GTCC Hải Phòng (628.106.364 đồng), Công ty Đất Việt ( 258.833.182 đồng), Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình thủy (321.000.000 đồng), Công ty HCC và Công ty ALPHA (ký nộp cho ông Nguyễn Long – Trưởng phòng Tài chính 100.000.000 đồng - tạm ứng), Công ty tư vấn 89 (ký nộp 330.000.000 đồng).
Như vậy, 5 nhà thầu đã nộp cho ông Thông và ông Long 1,53 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Long không thừa nhận việc nhận tiền từ Công ty HCC và Công ty ALPHA.
Dù vậy, căn cứ trên lời khai nhận của người nhận tiền về việc thu, giữ, chi tiền, Tổ xác minh kết luận “nội dung phản ánh về việc ông Phạm Văn Thông - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa có thu, giữ và chi tiền cho các cá nhân Cục Đường thủy nội địa là có cơ sở”.
9 cá nhân “dính” vào chuyện chi tiền
Theo kết luận của Tổ xác minh, ông Phạm Văn Thông tự nhận của các nhà thầu 4,8 tỷ đồng.
Tổng cộng có 9 cá nhân là chuyên viên, trưởng các phòng nghiệp vụ đề xuất chi, sau đó lấy tiền từ ông Phạm Văn Thông để chi phí chung cho Cục Đường thủy nội địa 406 triệu đồng. Trong đó, các cá nhân trực tiếp nhận từ ông Phạm Văn Thông là 357 triệu đồng; ông Thông chi cho các hóa đơn, chứng từ do Cục Đường thủy nội địa (như hội nghị, hội thao, phòng nghỉ, ăn uống, tiếp khách) 49,3 triệu đồng.
Như vậy, nội dung thông tin phản ánh về việc chi tiền là có cơ sở nhưng “chỉ có cơ sở với những tài liệu mà các cá nhân đã ký nhận tiền”.
Còn lại số tiền mà ông Phạm Văn Thông nhận, giữ và chi không có chữ ký, ông Phạm Văn Thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với số tiền 4,39 tỷ đồng.
Buộc thu hồi 4,8 tỷ đồng
Căn cứ vào kết luận nêu trên, Bộ Giao thông vận tải giao Thanh tra Bộ ban hành quyết định thu hồi số tiền 406 triệu đồng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; và ban hành quyết định thu hồi 4,39 tỷ đông của ông Phạm Văn Thông.
Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh sẽ thực hiện chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra-Bộ Công an, kể cả 2 tài liệu có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ (khi Cơ quan điều tra-Bộ Công an có yêu cầu).
Về xử lý cán bộ, Bộ giao Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức kiểm điểm lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Cụ thể, ông Hoàng Hồng Giang (Cục trưởng) chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu Cục Đường thủy nội địa về các sai phạm của các cá nhân; ông Trần Đức Hải (Cục phó) do có sai sót trong công tác theo dõi, quản lý chỉ đạo đối với Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa; ông Trần Văn Thọ (nguyên Phó Cục trưởng, nay là Thành viên HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) do có sai sót trong việc ký duyệt, để cá nhân lấy tiền từ ông Phạm Văn Thông.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone