Vụ 'siêu lừa' Huyền Như: SBBS đang làm thủ tục Giám đốc thẩm, buộc Vietinbank hoàn trả 10 triệu USD

Hoàng Lan - 13/06/2018 09:16 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) cho biết công ty này không đồng ý với phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao thành phố Hồ Chí Minh tại bản án phúc thẩm trong vụ án của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. SBBS đang tiến hành thủ tục Giám đốc thẩm để thu hồi khoản gian lận trên.

VNF
SBBS đang làm thủ tục Giám đốc thẩm, buộc Vietibank hoàn trả 10 triệu USD bị chiếm đoạt khi gửi tại ngân hàng này

SBBS cho hay ngày 11/6, đơn vị này nhận được Bản án phúc thẩm số 291/2018/HS-PT ngày 30/5 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử Huỳnh Thị Huyền Như – Kiểm sát viên Vietinbank phòng giao dịch Điện Biên Phủ, trong vụ án gian lận chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Bản án đã tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phải trả số tiền xấp xỉ 210 tỷ đồng gian lận và chiếm đoạt của SBBS. Tuy nhiên, SBBS không chấp nhận kết luận của bản án và đang tiến hành thủ tục Giám đốc thẩm, buộc phía Vietinbank phải hoàn trả số tiền mà SBBS bị chiếm đoạt khi gửi tại ngân hàng này.

Trước đó, hôm 30/5, Tòa phúc thẩm đã bác bỏ kháng cáo của 4 nguyên đơn yêu cầu Vietinbank hoàn trả số tiền hơn 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm dụng. Một trong 4 nguyên đơn nói trên là SBBS.

Sau khi tòa bác kháng cáo, bà Josephine YeiGiám đốc SBBS tại Việt Nam đã nói bà cảm thấy “đau lòng và không nói nên lời” vì “số tiền này chiếm 70% vốn điều lệ của công ty và có thể khiến cho doanh nghiệp phá sản".

Ngay sau khi Tòa phúc thẩm tuyên Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường gần 1.000 tỷ đồng cho các khách hàng bị chiếm đoạt tiền (mà không phải Vietinbank), hãng tin Reuters đã dẫn lời một luật sư cho rằng: “Tại nhiều nước, các ngân hàng có thể phải chịu trách nhiệm cho việc biển thủ tiền gửi của khách hàng nếu có bằng chứng ngân hàng sơ suất, sao nhãng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quy trách nhiệm có thể hiểu một cách rộng hơn khi kẻ lừa đảo làm những việc vượt quá quyền hạn của họ”.

Trong khi đó, trước khi phiên tòa diễn ra, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch hãng luật SBLAW tại Hà Nội, đã nói: "Việt Nam không có các án lệ cho những trường hợp như vậy nên nó (vụ án - PV) phụ thuộc hoàn toàn vào cách suy nghĩ của hội đồng xét xử".

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – luật sư của SBBS, nói về phán quyết của Tòa phúc thẩm: “Nhà đầu tư trong và ngoài nước đang theo sát trường hợp này để biết cách mà khung pháp lý đang bảo vệ người gửi tiền tại Việt Nam”.

Tháng 8 năm 2011, SBBS đã gửi 10 triệu USD (xấp xỉ 210 tỷ đồng) vào VietinBank. Hai tháng sau, SBBS chỉ còn lại 1% số tiền gửi ban đầu.

Cùng chuyên mục
Tin khác