Nhân vật

Wang Chuanfu: Cậu bé nông thôn nghèo thành tỷ phú ô tô điện top đầu thế giới

(VNF) - Nổi danh và giàu có nhưng ít ai biết rằng tỷ phú Wang Chuanfu - người làm nên tên tuổi “gã khổng lồ” xe điện Trung Quốc BYD sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh cơ cực, thiếu thốn. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Wang đang từng bước đưa doanh nghiệp lên dẫn đầu toàn cầu từ con số 0.

Wang Chuanfu: Cậu bé nông thôn nghèo thành tỷ phú ô tô điện top đầu thế giới

Tỷ phú xe điện Wang Chuanfu "xây dựng giấc mơ" từ hai bàn tay trắng

Khởi đầu từ chế pin điện thoại cho Nokia

Chủ tịch tập đoàn BYD, ông Wang Chuanfu sinh năm 1966, là con thứ 8 trong một gia đình nhà nông nghèo khó. Cha mẹ mất sớm, ông Wang được các anh chị nuôi nấng từ khi còn nhỏ.

Hơn ai hết, ông Wang ý thức được chỉ có chăm chỉ, nỗ lực mới giúp bản thân và gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn. Chính vì vậy, ông dồn hết thời gian vào học tập và tốt nghiệp chuyên ngành Hoá học Đại học Trung Nam. Nhận thấy bản thân có đam mê đặc biệt với khoa học, ông Wang quyết định học lên cao học và trở thành Thạc sĩ Khoa học của Viện Nghiên cứu Kim loại màu tại Trung Quốc.

Xuất phát điểm là một nhà hoá học sau khi ra trường, ông Wang bắt đầu có những bước tiến trong sự nghiệp của mình khi thành công lọt vào đội nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc.

Tháng 2/1995, sau khoảng thời gian làm việc với tư cách là một nhà nghiên cứu khoa học, ông cùng người anh họ Lv Xiangyang thành lập BYD Co. (viết tắt của cụm “Build Your Dream”). Mới đầu, BYD chỉ là đơn vị chuyên sản xuất pin điện thoại.

Tỷ phú Wang Chuanfu từng chia sẻ, ban đầu công ty chỉ là một nhà máy sản xuất pin sạc. Tại thời điểm này, BYD đã gặt hái nhiều thành công hơn tưởng tượng khi trở thành nhà cung cấp pin cho nhiều hãng điện thoại có tiếng, một trong số đó có thể kể tới “huyền thoại” Nokia.

10 năm sau khi công ty được thành lập, BYD đã chiếm hơn một nửa thị trường pin điện thoại di động trên thế giới, trở thành nhà sản xuất pin lớn nhất của Trung Quốc.

Mặc dù liên tục gặt hái “quả ngọt”, ông Wang chưa bao giờ có ý định lơ là việc kinh doanh mà luôn cố gắng đưa doanh nghiệp phát triển xa hơn. Năm 2002, BYD quyết định mở rộng thêm sang mảng kinh doanh ô tô.

Cú bắt tay với huyền thoại Warren Buffett

Doanh nghiệp đã mua lại Quinchuan Auto, đơn vị sản xuất ô tô đang trên đà thua lỗ, và mở thêm một công ty con phụ trách mảng xe cộ với tên gọi BYD Automobile Company. Nhận được sự tín nhiệm, ông Wang trở thành Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn BYD, tập đoàn mẹ của BYD Automobile Company và BYD Electronics.

Với kiến thức nền và kinh nghiệm sẵn có về chế tạo pin, ông Wang tiếp tục “thừa thắng xông lên” trong lĩnh vực pin xe điện. Ông cùng ban quản trị tập đoàn tin rằng muốn giữ chi phí sản phẩm ở mức tốt thì BYD cần chủ động sản xuất được nhiều linh kiện hơn. Vì thế, doanh nghiệp bắt đầu tập trung nhiều nguồn lực cho việc sản xuất các bộ phận ô tô điện.

Không chỉ thành công trong việc sở hữu pin xe điện và chất bán dẫn của riêng mình, năm 2008, BYD “một bước lên mây” khi được “thiên tài đầu tư” Warren Buffett nhìn trúng và quyết định dành hơn 230 triệu USD đầu cơ vào doanh nghiệp Trung Quốc này. Lợi nhuận tập đoàn sau đó đã liên tục tăng chóng mặt, giúp tỷ phú Warren Buffett hưởng lợi gấp 33 lần sau 13 năm đầu tư.

Năm 2016, BYD đã thành công bán được 96.000 chiếc xe điện tại thị trường trong nước. Cuối năm ngoái, BYD chạm mốc kỷ lục khi có đến hơn 220.000 lượt đặt mua, tăng 145% so với cùng kỳ.

Tổng kết cả năm 2022, BYD đã bán ra 940.000 xe điện chạy bằng pin toàn cầu, trong đó 911.140 chiếc được bán ra tại thị trường Trung Quốc. Trong khi cũng cùng thời điểm đó, Tesla của tỷ phú Elon Musk chỉ sở hữu khoảng 170.000 lượt đăng ký đặt mua, số lượng xe bán ra tại Trung Quốc chưa được một nửa so với BYD khi chỉ đạt khoảng 440.000 xe.

Theo số liệu từ Reuters, trong quý I/2023, BYD vẫn duy trì phong độ khi số lượng xe điện bán ra trong nước cao gấp 5 lần so với Tesla.

Không chỉ tập trung trong nước, ngày 1/4/2023, BYD bắt đầu bán xe điện tại Mexico. Bên cạnh đó, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc do tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn, đang liên tục mở rộng và thâm nhập thị trường quốc tế, trước mắt là các khu vực như châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh.

BYD sở hữu “hậu phương” rất vững chắc khi luôn có sẵn những công nghệ tiên tiến nhất. Doanh nghiệp nắm trong tay hầu hết các công nghệ cốt lõi bao gồm xe năng lượng mới, động cơ pin, chip bán dẫn và bảng điều khiển điện tử. Theo giới thiệu của hãng, xe điện BYD sử dụng công nghệ pin độc quyền, giúp mang lại hiệu suất vượt trội và tuổi thọ cao hơn nhiều so với pin lithium-ion truyền thống.

Bản thân Chủ tịch Wang cũng từng nhiều lần tự hào rằng doanh nghiệp của ông thuộc một trong hai nhà sản xuất duy nhất trên thế giới (Tesla là nhà sản xuất còn lại) có thể thực sự tự chế tạo ra một chiếc xe điện.

“Nếu BYD giữ vững phong độ, doanh nghiệp này có thể sẽ là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2030” là dự đoán của nhiều nhà phân tích nổi tiếng như Charlie Munger và Warren Buffett.

Hiện tại, BYD đã trở thành một tập đoàn với vốn hoá thuộc top đầu Trung Quốc và xếp thứ 6 toàn cầu. Hưởng lợi từ tài chính tập đoàn, ông Wang hiện đang sở hữu khối tài sản rơi vào khoảng 19 tỷ USD, nằm trong top 100 người giàu nhất thế giới, theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.

Xem thêm >> ‘Gã khổng lồ’ xe điện Trung Quốc BYD đe dọa thị phần của Tesla

Tin mới lên