WSJ: Chuyên gia phòng thí nghiệm Vũ Hán có biểu hiện giống nhiễm Covid-19 trước khi dịch được công bố

Mộc An - 24/05/2021 16:36 (GMT+7)

(VNF) - Tạp chí Wall Street Journal (WSJ) ngày 23/5 trích dẫn một báo cáo tình báo Mỹ chưa được công bố cho biết 3 chuyên gia của Viện Virus học Vũ Hán (WIV) của Trung Quốc đã có những triệu chứng giống nhiễm Covid-19 và phải nhập viện vào tháng 11/2019, vài tuần trước khi nước này xác nhận xuất hiện ổ dịch Covid-19 tại Vũ Hán.

VNF
Các nhân viên làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán năm 2017.

Theo WSJ, bản bảo cáo mà họ có được cho thấy những chuyên gia này có “các triệu chứng giống nhiễm Covid-19 và cũng giống mắc bệnh thông thường theo mùa”.

Bản báo cáo cung cấp thông tin chi tiết về số nhà nghiên cứu mắc bệnh, khoảng thời gian họ mắc bệnh và những lần họ đến bệnh viện.

Thông tin về bản báo cáo được công bố trước thềm một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 24/5 nhằm thảo luận giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19.

Phản hồi trước những thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/5 tuyên bố nhóm chuyên gia do WHO đứng đầu đã kết luận rằng khả năng rò rỉ virus SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm là cực kỳ khó và "Mỹ đang tiếp tục thổi phồng giả thuyết này".

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ mới đây cho biết chính phủ nước này hiện đang làm việc với WHO và các quốc gia thành viên của WHO để hỗ trợ đánh giá của các chuyên gia về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, nhằm đảm báo các đánh gia này "không bị can thiệp hoặc chính trị hóa".

WSJ trích dẫn một nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết Washington mong muốn đảm bảo sự hợp tác và minh bạch hơn của Trung Quốc.

Ở động thái liên quan khác, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Australia Maris Payne ngày 13/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ không hài lòng với cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 của WHO và kiên quyết yêu cầu tiếp tục tiến hành cuộc điều tra này.

"Chúng tôi biết rằng trong những ngày đầu đại dịch, phía Trung Quốc đã không tạo điều kiện để có sự tiếp cận kịp thời của các chuyên gia quốc tế, không kịp thời cung cấp thông tin, thiếu sự minh bạch", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, WHO đã công bố báo cáo dài 120 trang về nguồn gốc Covid-19. Theo báo cáo, virus SARS-CoV-2 có "nhiều khả năng" lây sang người từ vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Tuy nhiên, báo cáo chưa chỉ ra được đây là loài vật cụ thể nào.

Báo cáo của WHO cũng cho rằng virus đã lây lan trên người không quá 1-2 tháng trước khi nó được phát hiện vào tháng 12/2019

Được biết, bản báo cáo trên là kết quả điều tra phối hợp giữa nhóm chuyên gia của WHO và giới chức Trung Quốc trong chuyến điều tra tại tâm dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2.

Xuyên suốt 240 mặt giấy, báo cáo của WHO chỉ đánh giá khả năng "ít, nhiều" của các giả thuyết mà không đưa ra lời khẳng định cụ thể nào khiến nhiều nước lên tiếng chỉ trích.

Nhóm chuyên gia của WHO thừa nhận trong quá trình điều tra họ đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép chính trị, nhưng họ không bao giờ bỏ qua "các yếu tố quan trọng" trong báo cáo.

Sau khi WHO công bố báo cáo, 14 nước gồm Mỹ, Úc, Canada, Séc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh đã ra một tuyên bố chung chỉ trích báo cáo của WHO phối hợp với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19.

Cụ thể, tuyên bố này chỉ trích việc điều tra nguồn gốc đại dịch bị trì hoãn và việc nhóm chuyên gia không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu thô trong quá trình điều tra.

Tuyên bố nhấn mạnh các chuyên gia cần có quyền tiếp cận đầy đủ mọi dữ liệu về người bệnh, động vật, môi trường cũng như toàn bộ các yếu tố xoay quanh giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh nhằm xác định nguồn gốc và ngăn chặn việc lây lan.

Xem thêm >> Chủ tàu Ever Given đổ lỗi cho Kênh đào Suez, nhất quyết không bồi thường 900 triệu USD

Theo Wall Street Journal
Cùng chuyên mục
Tin khác