Xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất: Ba câu hỏi Bộ GTVT chưa thể trả lời?
Đinh Tịnh -
29/03/2019 01:06 (GMT+7)
(VNF) - Ngày 28/3, tại buổi họp báo Quý I/2019 của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), VietnamFinance có gửi 3 câu hỏi cần làm rõ, nếu cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất thì cơ chế giao đất thế nào? Tại sao ACV sai phạm tại nhiều dự án vẫn được đề xuất thực hiện nhà ga T3? Tại sao không đấu thầu, công khai xây dựng nhà ga này?
Cổ phần nước ngoài chiếm bao nhiêu phần trăm trong ACV?
Trả lời VietnamFinance, ông Trần Minh Phương, Vụ phó Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi tới Thủ tướng trình 4 phương án mở rộng Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, Bộ GTVT thừa nhận đề xuất giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.
“Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho ACV tổ chức thực hiện dự án xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất”, ông Phương nói.
Với kết luận như vậy, rõ ràng Bộ GTVT đã “chọn mặt gửi vàng” cho ACV mà không cần qua đấu thầu nữa? Vậy điều này, có khác gì chỉ định thầu không?
Theo một số chuyên gia ngành giao thông: Dù hiện tại, ACV không còn là “con đẻ” của Bộ GTVT mà đã chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN), tuy nhiên, không hiểu sao Bộ này lại ưu ái ACV đến vậy.
Mặt khác, ACV hiện là công ty cổ phần (có yếu tố nước ngoài tham gia), bản thân ông Nguyễn Minh Phương còn chưa nắm rõ phần vốn nước ngoài là bao nhiêu khi trả lời nhầm, Nhà nước chiếm 94% vốn tại ACV và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhắc nhở: ACV hiện nắm 95,4% cổ phần nhà nước và 4,6% là cổ phần nước ngoài.
Riêng tình tiết này cho thấy, ông Trần Minh Phương dù giữ vai trò là người phát ngôn của Bộ GTVT về việc tại sao để ACV là “ông chủ” xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất cũng chưa cặn kẽ và chưa nắm rõ vấn đề?
Đến năm 2020, nhà đầu tư tư nhân sẽ nắm giữ 30% cổ phần của ACV theo lộ trình thoái vốn tại Tổng công ty này
Theo thông tin của VietnamFinance, hiện ACV là công ty cổ phần và sẽ tiếp tục cổ phần hoá mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Hiện 4,6% vốn tại ACV dành cho nước ngoài cũng không phải là ít. Căn cứ vào vốn điều lệ của ACV là 4.300 tỷ đồng, thì phần vốn nước ngoài nắm giữ khoảng 200 tỷ đồng.
Nhưng xin thưa, lộ trình chỉ 2 năm tới (tức là năm 2020), ACV sẽ tiếp tục thoái vốn tới 30% cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như vậy, nhà đầu tư tư nhân sẽ chiếm tới 1.300 tỷ đồng tại ACV.
Xin hỏi, lúc này “ông chủ” thực sự của ACV sẽ là ai? Và công ty cổ phần này sẽ hoạt động như thế nào? Liệu nhà nước có đủ tin tưởng để giao xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất cho ACV hay không?
Bộ GTVT thừa nhận từng giao đất sai cho ACV
Tại cuộc họp báo ngày 28/3, VietnamFinance có gửi tới Bộ GTVT câu hỏi: Nếu Bộ GTVT “quyết” chọn ACV thì quy trình và thủ tục giao 16,37 ha đất quốc phòng sẽ thực hiện như thế nào?
Trong khi đó, ngày 5/1/2018, bằng văn bản số 27/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã kết luận: “việc ACV nhận bàn giao 7,63 ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay mà không có sự tham gia của UBND TP HCM là vi phạm quy định của Luật Đất đai”. Vậy liệu Bộ GTVT có tiếp tục cho phép ACV thực hiện không?
Về điều này, ông Trần Minh Phương thừa nhận: Trước đây việc thực hiện chưa đúng và còn nhiều tồn tại.
“Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất lại cho UBND TP.HCM, sau đó mới giao lại cho Cảng vụ hàng không Miền Nam, thuộc Bộ GTVT và sau này giao cho ACV”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, theo phân tích của TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, “nếu làm như vậy cần phải có cơ chế đặc thù xin ý kiến của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chứ Bộ GTVT không thể tự quyết”
“Mặt khác, theo Điều 50 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, nếu 16,37 ha đất quốc phòng ở vị trí dự kiến xây nhà ga hành khách T3 dù Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TP HCM, nhưng sau đó, TP. HCM buộc phải đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư. Vậy chắc gì ACV đã “trúng” khi hàng loạt nhà đầu tư cùng nhảy vào? Do đó, việc giao đất cho ACV là không hề đơn giản”, ông Tống nói.
Theo các luật sư, việc giao đất theo kiểu “cơ chế đặc thù” cho doanh nghiệp cổ phần là tiền lệ không tốt, sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Không khác gì kiểu giao 30 ha đất tại nhà máy đóng tàu Ba Son (nơi vị trí đất vàng bên bờ sông Sài Gòn).
Trả lời VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Bộ GTVT đã nghiên cứu kỹ khi đề xuất phương án giao ACV đầu tư nhà ga T3, Tân Sơn Nhất vì đơn vị này đang quản lý 21 cảng hàng không (CHK), vì thế, ACV có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác, với 1 cảng hàng không thì cần có chung 1 đầu mối.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông là người ký văn bản 5045/KL-BGTVT ngày 15/5/2018, chỉ rõ nhiều sai phạm tại ACV.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chưa thể làm rõ ACV sẽ giao đất như thế nào? Tại sao không đấu thầu công khai khi có 5 nhà đầu tư mong muốn tham gia mà cứ quyết “chọn” ACV, một công ty có nhiều sai phạm đang tồn đọng.
Trước đó, chính Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông là người ký văn bản 5045/KL-BGTVT ngày 15/5/2018, chỉ rõ nhiều sai phạm tại ACV trong huy động, quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư.
Vậy tại sao đến nay, Bộ vẫn quyết đề xuất ACV xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất? Dư luận có quyền nghi ngờ về những "dấu hỏi" chưa thể giải đáp từ Bộ GTVT.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.