Công nghệ

Xôn xao vụ cờ Việt Nam ở Trường Sa biến mất trên bản đồ Google

(VNF) - Tuần qua, hình ảnh chiếc cờ Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn biến mất trên 2 ứng dụng của Google là Google Maps và Google Earth khiến cộng đồng mạng bức xúc, nhiều người đã đánh giá 1 sao trên ứng dụng bản đồ của Google.

Xôn xao vụ cờ Việt Nam ở Trường Sa biến mất trên bản đồ Google

Google Maps không hiển thị hình ảnh cờ Việt Nam tại Trường Sa.

Bản đồ Google không hiển thị cờ Việt Nam ở Trường Sa

Ngày 11/7, cộng đồng mạng Việt Nam phát hiện lá cờ Việt Nam được làm từ các mảnh gốm trên mái nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn đã biến mất trên 2 ứng dụng của Google là Google Maps và Google Earth.

Đây là bức tranh bằng gốm in hình lá cờ Việt Nam với kích thước kỷ lục (12,4m x 25m) 310m2 trên mái tòa nhà hội trường của đảo Trường Sa lớn. Sản phẩm từ ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng tại Hà Nội và được thực hiện vào năm 2012. Kể từ đó đến nay, lá cờ này vẫn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam.

Sau khi hoàn thành lá cờ tổ quốc bằng gốm này có thể được quan sát một cách rõ ràng trên mục ảnh vệ tinh của các công cụ bản đồ phổ biến. Tấm bản đồ còn được coi như một cột mốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Việc không thấy hình ảnh lá cờ này trên ảnh vệ tinh của Google Maps khiến cộng đồng mạng Việt không khỏi bức xúc. Nhiều người đã đánh giá 1 sao trên ứng dụng bản đồ của Google (Google Maps).

Trả lời VietnamFinance về vấn đề này, đại diện Google khẳng định không làm mờ hoặc thay đổi hình ảnh vệ tinh được cung cấp bởi các đối tác thứ ba.

"Vấn đề liên quan đến hình ảnh đang hiển thị là do chất lượng ảnh kém và chúng tôi đang tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn", phía Google thông tin. (Xem thêm)

Foxconn rút khỏi dự án tỷ đô ở Ấn Độ

Tuần qua, Reuters đưa tin hãng điện tử Đài Loan Foxconn đã quyết định rút lui khỏi liên doanh sản xuất chất bán dẫn trị giá 19,5 tỷ USD với tập đoàn đa ngành Vedanta của Ấn Độ. Trong thông báo của mình, Foxconn không nói rõ lý do dẫn đến quyết định này.

Dù Foxconn đã rút lui khỏi liên doanh như tập đoàn Vedanta tuyên bố vẫn sẽ duy trì cam kết đầy đủ với dự án sản xuất chất bán dẫn này. Ngoài ra, tập đoàn đa ngành của Ấn Độ cho hay họ đã “bật đèn xanh” cho các đối tác khác để thiết lập xưởng đúc chip đầu tiên của Ấn Độ. Trong một tuyên bố, Vedanta khẳng định đang nỗ lực gấp đôi để hoàn thành tham vọng về chip và chất bán dẫn của chính phủ Ấn Độ.

Vào năm ngoái, hãng điện tử Foxconn đã ký thỏa thuận hợp tác với Vedanta nhằm thiết lập một nhà máy sản xuất sản phẩm màn hình và chất bán dẫn tại bang miền Tây Gujarat – quê hương của Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi.

Theo Reuters, quyết định rút khỏi liên doanh của Foxconn một phần là do những lo ngại về sự chậm trễ phê duyệt ưu đãi của chính phủ Ấn Độ. (Xem thêm)

Elon Musk sắp ra mắt công ty AI cạnh tranh với ChatGPT

Ngày 12/7, Elon Musk , Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, đồng thời là chủ sở hữu của Twitter, đã thông báo về việc ra mắt một công ty trí tuệ nhân tạo mới có tên "xAI", với mục tiêu “hiểu bản chất thực sự của vũ trụ”.

Theo mô tả trên trang web công ty mới được công bố hôm 12/7, xAI cho biết công ty sẽ được dẫn dắt bởi tỷ phú Elon Musk và nhân viên là các giám đốc điều hành đã từng làm việc tại nhiều công ty đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như OpenAI, Google Research, Microsoft Research, Twitter và Tesla, đồng thời đã làm việc trong các dự án bao gồm AlphaCode của DeepMind và các chatbot GPT-3.5 và GPT-4 của OpenAI. Ngoài ra, nhóm đứng sau dự án còn có các học giả từ Đại học Toronto.

Được biết, nhóm điều hành xAI sẽ chia sẻ thông tin cụ thể về công ty trong một cuộc trò chuyện trực tuyến trên Twitter Spaces vào ngày 14/7.

Tuy nhiên, dựa trên định hướng ban đầu, tỷ phú Tesla dường như đang muốn tạo ra đối thủ cạnh tranh với OpenAI hay Google, Microsoft trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 

Ông Musk đã tham gia vào việc tạo ra OpenAI, công ty khởi nghiệp AI nổi tiếng nhất và là nhà phát triển của ChatGPT. Nhưng ông đã thường xuyên và công khai chỉ trích OpenAI kể từ khi rời hội đồng quản trị vào năm 2018, đặc biệt là sau khi công ty tạo ra một nhánh kinh doanh thu lời vào năm 2019. (Xem thêm)

Mạng xã hội Threads của Mark Zuckerberg cán mốc 100 triệu người dùng

Theo số liệu từ hệ thống theo dõi Threads của Quiver Quantitative, mạng xã hội mới của Meta đã vượt mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày sau khi ứng dụng ra đời, đưa Threads trở thành ứng dụng có 100 triệu người dùng nhanh nhất lịch sử. Kỷ lục này trước đó thuộc về ChatGPT với thời gian 2 tháng.

"Đó chủ yếu là nhu cầu tự nhiên và chúng tôi thậm chí còn chưa bật nhiều chương trình khuyến mãi", CEO Zuckerberg cho biết trong một bài đăng thông báo về cột mốc quan trọng này trên Threads.

Hồi đầu năm, kỷ lục thu hút người dùng thuộc về ChatGPT - siêu ứng dụng AI ra mắt cuối tháng 11/2022 và đạt 100 triệu người dùng vào cuối tháng 1, vượt qua TikTok (9 tháng) và Instagram (2,5 năm).

Với cơ chế hoạt động giống Twitter, sự phát triển nhanh chóng của Threads được cho là nhờ tận dụng đúng giai đoạn "rối ren" của mạng xã hội do Elon Musk sở hữu. Threads cũng vô tình được đối thủ quảng bá qua vụ thách đấu trên võ đài giữa Musk và Zuckerberg. (Xem thêm)

FPT lãi hơn 4.300 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm

Ngày 13/7, Công ty cổ phần FPT (HoSE: FPT) cho biết 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.339 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đại diện FPT, khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này, tương đương 14.202 tỷ đồng và 2.005 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 25,1% và 26,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài đạt 11.227 tỷ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước..

"Tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số, lĩnh vực mà Nhật Bản đang bị tụt lại sau Mỹ và các quốc gia phương Tây, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19", phía FPT nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 đạt 4.886 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics... Công ty cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 15.017 tỷ đồng, tăng trưởng 28,6% do với cùng kỳ. Trong đó có 13 dự án với quy mô trên 5 triệu USD. 

Đối với dịch vụ công nghệ thông tin trong nước, FPT ghi nhận doanh thu 2.975 tỷ đồng, tăng trưởng 9% và lợi nhuận trước thuế đạt 171 tỷ đồng, giảm 24,3%.

Với mảng dịch vụ viễn thông, FPT ghi nhận tăng trưởng 2 con số, với doanh thu đạt 7.423 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 14,5%. Ngoài ra, doanh thu mảng giáo dục của FPT cũng tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.754 tỷ đồng. (Xem thêm)

Tin mới lên