'Xử lý nợ xấu không thể mãi trông chờ Nhà nước bao cấp'

Nguyễn Lê - 02/06/2022 08:37 (GMT+7)

Theo đại biểu Quốc hội, xử lý nợ xấu không thể nào cứ trông chờ mãi vào các biện pháp bao cấp của Nhà nước như trong thời gian qua.

VNF
Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu tại hội trường.

"Nếu các cơ chế tạị Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu kéo dài, tôi e rằng sẽ tạo ra sự ỷ lại cũng như tạo ra một tâm lý cho các ngân hàng thương mại rằng kinh doanh có lãi, có hiệu quả thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo. Đây là một điều chúng tôi rất lo ngại".

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã phát biểu như trên khi thảo luận tại hội trường, chiều 2/6.

Theo đại biểu Long, trong bối cảnh hiện tại thì tiếp tục cơ chế thí điểm tại Nghị quyết 42 là điều cần thiết. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng nhà nước cần đánh giá thật kỹ tất cả những tác động, cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này.

Bởi vì, bất kỳ một phương thuốc nào dù có công dụng đến mấy cũng luôn luôn để lại tác dụng phụ. Cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là một phương thuốc rất hiệu quả, nhưng một phương thuốc có tính chất đặc hiệu như vậy mà kéo dài, thì cần đánh giá các hệ lụy của nó.

Cho rằng trong bất kỳ một nền kinh tế nào, khi có nợ tăng cao đe dọa đến nền kinh tế và gây bất ổn thì Nhà nước đều phải can thiệp. Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh quá trình này luôn luôn gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và đây là một cuộc thanh lọc rất gắt gao, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại phục hồi được, có hiệu quả thì tồn tại, còn không có sẽ bị thải loại.

"Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đang áp dụng những cơ chế rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ là quá trình xử lý nợ xấu thì huy động rất lớn bộ máy công quyền, từ công an, tòa án, thi hành án, hệ thống chính quyền các cấp đều phải tham gia và sự phục vụ của hệ thống công quyền này có tính chất vô điều kiện. Khi xử lý thu hồi nợ thì các tổ chức tín dụng đều yêu cầu rằng không nợ thuế, phải nộp lệ phí tòa án, các phí khác. Phải chăng cơ chế này chúng ta đang tạo ra một thứ bao cấp cho một hoạt động đối với thị trường tín dụng và đối với hệ thống tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại", ông Long đặt vấn đề.

Nếu các cơ chế này kéo dài, theo đai biểu,  sẽ tạo ra sự ỷ lại cũng như tạo ra một tâm lý cho các ngân hàng thương mại rằng là kinh doanh có lãi, có hiệu quả thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo. Đây là một điều chúng tôi rất lo ngại.

Vị đại biểu Đồng Nai nhấn mạnh rằng, phương thức để xử lý nợ xấu phải tạo ra yếu tố tự thân cho tất cả các tổ chức tín dụng, qua đó phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, chứ không thể nào cứ trông chờ mãi vào các biện pháp bao cấp của Nhà nước như trong thời gian qua.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác