Ngân hàng

Yếu tố nào ghìm đà tăng lãi suất liên ngân hàng?

(VNF) - Thanh khoản hệ thống ngân hàng thu hẹp khi dư nợ tín dụng tăng cao hơn đáng kể vốn huy động đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng và neo ở mặt bằng giá mới. Tuy vậy, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ thanh khoản hệ thống, từ đó giúp ghìm đà tăng lãi suất liên ngân hàng.

Yếu tố nào ghìm đà tăng lãi suất liên ngân hàng?

Yếu tố nào ghìm đà tăng lãi suất liên ngân hàng?

Thời gian vừa qua, lãi suất liên ngân hàng tăng và neo ở mặt bằng giá mới.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn vốn huy động đã góp phần khiến thanh khoản thị trường thu hẹp, khiến lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Cụ thể, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 4,67% tính tới ngày 21/5/2021. Mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020, khi tính tới ngày 29/5/2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2%. Tổng cộng 12 tháng qua, tổng dư nợ tín dụng đã tăng 15,07%, với trên 400 nghìn tỷ đồng vốn được vay từ hệ thống ngân hàng, tính từ đầu năm tới nay.

Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn tính tới ngày 21/5/2021 mới chỉ đạt 2,68%, lũy kế 12 tháng tăng 13,27% và hơn 260 nghìn tỷ đồng được hút vào hệ thống qua kênh huy động vốn từ đầu năm tới nay.

Như vậy, so với cuối năm 2020, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể. "Diễn biến này nhiều khả năng đã góp phần vào việc lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây", chuyên gia của BVSC nhận định.

Có phần đồng quan điểm với BVSC, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng chênh lệch tiền gửi - tín dụng thu hẹp khoảng 160 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa, đẩy lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định thanh khoản bớt dồi dào trên thị trường liên ngân hàng là do tín dụng tăng trưởng tốt, đặc biệt là tại các ngân hàng tư nhân; trong khi đó, tiền gửi tăng yếu, chủ yếu ở phân khúc cá nhân, cộng hưởng với việc NHNN sử dụng hợp đồng kỳ hạn để mua ngoại tệ (USD).

"Chúng tôi cho rằng việc tái cơ cấu danh mục của cá nhân do nền lãi suất huy động giảm đã góp phần khiến tăng trưởng huy động gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các ngân hàng, dẫn đến căng thẳng thanh khoản cục bộ và hạn chế tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng. Điều này dẫn đến việc vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiền gửi", chuyên gia của VDSC cho biết thêm.

Dự báo cho thời gian tới, BVSC nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) vào hệ thống ngân hàng tăng lên trong thời gian qua, phần nào giúp giảm căng thẳng thanh khoản hệ thống.

Chuyên gia của SSI thì đánh giá cung cầu VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đồng thời nhấn mạnh đến việc sẽ có một lượng VND lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7,8 tới.

Tương tự, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng nhấn mạnh đến thời điểm một lượng thanh khoản lớn đổ vào hệ thống bởi NHNN từ việc mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng bắt đầu được giao, giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Trước đó, theo MBS, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì đà tăng đến hết tháng 6.

Chuyên gia của MBS lưu ý giống như các tháng gần đây, lãi suất liên ngân hàng tuy tăng nhưng vẫn đang thấp hơn lãi suất trên thị trường mở (OMO) của NHNN là 2,5%/năm nên các ngân hàng thương mại vẫn có thể vay lẫn nhau trên thị trường mà chưa cần đến sự hỗ trợ của NHNN.

Chung góc nhìn, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định thanh khoản liên ngân hàng không xảy ra tình trạng thiếu hụt, mặc dù giai đoạn này không dồi dào nhưng nguồn lực mới có thể xuất hiện trên thị trường từ tháng 7 sau khi các hợp đồng mua ngoại tệ của NHNN đến hạn thực hiện.

VDSC thì duy trì quan điểm lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Bên cạnh kỳ vọng vào việc hợp đồng mua ngoại tệ đáo hạn sẽ cung cấp lượng lớn VND ra thị trường, VDSC còn lưu ý đến việc hệ thống ngân hàng sẽ chứng kiến một lượng tiền lớn từ việc trái phiếu chính phủ (TPCP) đáo hạn. Dự kiến số lượng đáo hạn trong tháng 6 là 41 nghìn tỷ đồng, trong khi khối lượng phát hành TPCP theo kế hoạch là 28 nghìn tỷ đồng.

"Cuối cùng, chúng tôi cho rằng tình hình đại dịch phức tạp sẽ cản trở tăng trưởng tín dụng. Hầu hết đà tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã diễn ra trước đợt bùng phát mới nhất của Covid-19. Trong khi đó, cơ sở tiền gửi đã lấy lại đà tăng sau khi gần như đi ngang trong 3 tháng đầu năm 2021. Điều này sẽ giảm áp lực lên thanh khoản, hỗ trợ hạ lãi suất liên ngân hàng và ổn định lãi suất huy động", chuyên gia của VDSC cho hay.

Tin mới lên