Tài chính

ADB: Chi thường xuyên tăng mạnh và nới lỏng tiền tệ là 2 rủi ro chính sách lớn của Việt Nam

(VNF) – Theo chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đang phải đối mặt với 2 rủi ro chính sách lớn: chi thường xuyên tăng mạnh và nới lỏng chính sách tiền tệ.

ADB: Chi thường xuyên tăng mạnh và nới lỏng tiền tệ là 2 rủi ro chính sách lớn của Việt Nam

ADB cho rằng Việt Nam chỉ đạt được mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2017

Kinh tế Việt Nam vẫn sẽ khả quan

Cụ thể, ADB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có khả năng vẫn duy trì được khá tốt trong 6 tháng cuối năm 2017. Tuy nhiên, do sự sụt giảm 8% sản lượng khai khoáng và dầu thô trong nửa đầu năm nay, ADB đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ chỉ đạt được 6,3% (giảm 0,2 điểm % so với dự báo trước đây) và 6,5% trong năm 2018 (giảm 0,2 điểm %).

Mặc dù vậy, theo ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan do được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa.

"Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới Việt Nam", ông Eric Sidgwick nói.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa trên 2 động lực: định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa

Phân tích dữ liệu đơn hàng tồn đọng tăng lên vào tháng 7, trong khi lượng hàng tồn kho thành phẩm giảm xuống, ADB cho rằng các doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng, tình hình tín dụng thuận lợi và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào mạnh mẽ được kì vọng sẽ tạo thêm xung lực cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.

Khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hiện tại. Với thủ tục visa thông thoáng hơn từ tháng 2/2017, cơ quan chức năng dự báo lượng khách du lịch vào Việt Nam sẽ đạt 15 triệu vào cuối năm 2017. Doanh thu ngành du lịch sẽ cải thiện hơn nữa khi Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC từ tháng 8 đến tháng 11/2017.

Xu hướng phục hồi của ngành nông nghiệp dự báo sẽ tiếp tục được duy trì, với giả định là thời tiết tốt lên và cầu xuất khẩu thuỷ hải sản hiện nay đang mạnh sẽ giữ vững trong những tháng tới. Tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 3% cho cả năm 2017.

Về phía cầu, triển vọng tiêu dùng tư nhân vẫn ổn định nhờ việc làm trong khu vực công nghiệp tăng trưởng mạnh. Chi đầu tư công tăng tốc vào sáu tháng cuối năm cũng sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng đầu tư. Đầu tư tư nhân có triển vọng sáng sủa, số lượng công ty mới đăng ký từ tháng 1 đến tháng 8/2017 tăng 16,3%, cộng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào cao.

Lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng đã xuất hiện trong những tháng gần đây do được tiếp nhiệt bởi động thái giảm lãi suất, cầu trong nước mạnh và tăng trưởng GDP tốt. Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Do tăng thu ngân sách cao hơn kỳ vọng, nên mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP trong năm 2017 và 4,0% trong năm 2018 của chính phủ nhìn chung là khả thi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những nỗ lực đốc thu tiếp theo và việc kiểm soát chặt chẽ hơn chi ngân sách cho tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác.

Thành tích xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tiếp tục khả quan nhờ sự hỗ trợ từ các nhà máy sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mới và giá hàng hoá cải thiện. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy triển vọng xuất khẩu. Đồng thời, do nền kinh tế phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào trung gian để sản xuất nên kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục ở mức cao. Hệ quả là thậm dư cán cân vãng lai dự báo sẽ giảm xuống tương đương 1% GDP trong năm 2017 trước khi tăng trở lại lên 2% vào năm 2018. Cả hai dự báo này đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4.

2 thách thức cho Việt Nam

Theo phân tích của ông Aaron Batten – chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB, người soạn thảo chương Việt Nam trong báo cáo - Việt Nam hiện đang phải đối mặt với 2 rủi ro chính sách lớn.

Một là việc giảm thâm hụt ngân sách chỉ đến từ giảm chi xây dựng cơ bản còn chi thường xuyên vẫn tăng mạnh. "Chi thường xuyên danh nghĩa đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 do tăng chi lương cơ bản cùng với y tế, giáo dục. Trong khi đó, tỷ trọng chi xây dựng cơ bản giảm. Các khoản chi xây dựng cơ bản danh nghĩa ở mức ít thay đổi trong 5 năm qua. Kết quả là tỷ trọng chi xây dựng cơ bản trong tổng chi ngân sách giảm từ 30% (năm 2011) xuống 16% (trong nửa đầu năm 2017. Việc này không có ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn nhưng nó làm giảm tính bền vững của tăng trưởng trong dài hạn", ông Batten nói.

Thách thức thứ hai là sau một thời gian thắt chặt, chính sách tiền tệ đã bắt đầu được nới lỏng (cắt giảm lãi suất, tăng tín dụng cao, lãi suất thấp kỉ lục trong 2 năm qua). Việc nới lỏng này có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng gây ra rủi ro gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các vấn đề về chất lượng tài sản của khu vực tài chính sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi nợ xấu vẫn còn rất lớn.

Ngoài ra, dù hiệu quả thương mại được dự kiến tiếp tục duy trì, Việt Nam vẫn có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng nếu có sự suy giảm của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt, hoặc tốc độ tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc.

Đừng để ý con số, hãy tập trung vào chất lượng

Tại buổi họp báo, ông Aaron Batten – đại diện cho ADB, đã trả lời các câu hỏi của báo giới.

PV: Ở thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng đã hơn 11%, ADB có nghiên cứu nào cho biết tiền cho vay đã đi vào đâu không?

Ông Aaron Batten: Chúng tôi cũng có số liệu nhưng bị chi phối bởi một loạt yếu tố khác. Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng cho vay mua nhà, thế chấp vì càng ngày càng có nhiều người Việt Nam đầu tư vào nhà đất. Các khoản cho vay kinh doanh cũng đã tăng lên. Ngoài ra, có sự đầu tư lớn vào lĩnh vực bất động sản.

PV: Chính phủ muốn tăng trưởng tín dụng ở mức 21%, ông đánh giá mục tiêu này có đạt được không? Với tăng trưởng tín dụng như vậy, việc xử lý nợ xấu có khả quan không? Và có dự báo nào về kết quả kinh doanh của các ngân hàng?

Ông Aaron Batten: Qua quan sát tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng qua, có thể nói mục tiêu 21% là đạt được, đặc biệt sau khi chính sách nới lỏng được đưa ra hồi tháng 7. Nhưng điều quan trọng hơn là hãy tập trung vào chất lượng cho vay, bởi chính sách nới lỏng có thể tạo ra rủi ro, lãi suất quá thấp sẽ tạo ra bong bóng tài sản. Tiền có thể đổ vào các bong bóng tài sản này và gây rủi ro cho nền kinh tế. Chính phủ nên thận trọng giữa kết quả tăng trưởng trong ngắn hạn và những ảnh hưởng trong dài hạn.

PV: Như ADB đã cho biết cho vay kinh doanh đã tăng lên trong thời gian qua. Vậy, có nghiên cứu nào cho thấy phần vốn chảy vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ không?

Ông Aaron Batten: Dữ liệu về nội dung này không được chi tiết lắm. Nhưng dựa trên những gì đã có hiện nay, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang gặp cản trở trong tiếp cận tín dụng. Tiền vẫn dành cho các doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân là yêu cầu tài sản thế chấp quá cao. Ngoài ra, các bên đi vay buộc phải áp dụng hệ thống kế toán với tiêu chuẩn cao khiến các doanh nghiệp nhỏ rất khó đáp ứng được.

PV: Kinh tế Việt Nam từ lâu luôn phụ thuộc vào vốn ngoại. Vậy trong năm nay, tình hình này có biến chuyển gì không?

Ông Aaron Batten: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua được dẫn dắt bởi vốn ngoại và định hướng xuất khẩu. Việc chuyển sang dựa vào kinh tế trong nước có thể được thực hiện nhưng không thể diễn ra nhanh vì Việt Nam mới chỉ mở cửa đón nhận vốn ngoại trong khoảng 10 năm trở lại đây. Theo chúng tôi, phải mất khoảng 10 năm nữa, Việt Nam mới thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài.

PV: Việt Nam đang sửa đổi lại chính sách thu thuế để cơ cấu nguồn thu ngân sách. Song điều này sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Aaron Batten: Tôi cảm thấy hệ thống thuế của Việt Nam hiện nay có lẽ là phù hợp, tuy nhiên vẫn còn cần cải thiện một số điểm.

Một là thuế suất. Nhìn chung, mặt bằng thuế suất của Việt Nam không cao hơn khu vực hay quốc tế. Tuy nhiên, chính sách miễn thuế trong một số trường hợp lại khá cao. Chính phủ đã ưu đãi thuế quá nhiều đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ cũng chưa rõ ràng trong việc xác định miễn thuế bao nhiêu và bao lâu.

Về quản lý thu thuế, kinh nghiệm cho thấy với tốc độ tăng trưởng cao mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, chắc chắn đã có những tài sản được tạo ra mà chưa được đánh thuế xứng đáng. Thuế tài sản cũng cần được xem xét. Để cải thiện hệ thống thuế, tôi cho rằng việc thu thuế là một lĩnh vực cần được xiết chặt để đảm bảo quy định như thế nào sẽ thu được như thế đó.

Hiện nay thâm hụt ngân sách chủ yếu được bù đắp bởi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cũng ổn thôi, nhưng nguồn này không nên được kì vọng trong dài hạn. Trong hệ thống kinh tế, nó phải đi đôi với tăng trưởng để đảm bảo chúng ta không bóp méo động cơ kinh doanh mà vẫn tạo ra nguồn thu xứng đáng cho Chính phủ.

Tóm lại, chúng tôi đánh giá cấu trúc thuế của Việt Nam cần được cải thiện nhiều hơn. Công tác thu thuế cần được thực hiện tốt hơn và cần cân nhắc chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tin mới lên