Thị trường

Chỉ còn gần 1.000 người Trung Quốc làm việc tại Formosa Hà Tĩnh

(VNF) – Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang có 2.163 lao động đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, lao động là người Đài Loan 1.240 người, Trung Quốc 896 người (chiếm 97,31% và chủ yếu làm việc tại Công ty Formosa).

Chỉ còn gần 1.000 người Trung Quốc làm việc tại Formosa Hà Tĩnh

Gần 1.000 người Trung Quốc làm việc tại Formosa Hà Tĩnh

Số liệu này vừa được Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội công bố trong chuyên đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017.

Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vị trí công việc và trình độ chuyên môn của lao động nước ngoài làm việc trên bịa bàn tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành và nhà quản lý.

Tuy nhiên, Ủy ban này cho biết dự án Formosa sử dụng nhiều thầu phụ với nhiều nhiều tầng cấp trung gian, có thời điểm tại các công trường của dự án có đến hàng trăm nhà thầu phụ có sử dụng lao động là người nước ngoài.

"Số lượng lao động nước ngoài cũng liên tục biến động theo tiến độ của dự án, dẫn đến công tác quản lý, theo dõi người nước ngoài làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng gặp nhiều khó khăn", Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng cho rằng do một số quy định pháp luật hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa thống nhất thậm chí còn bị lợi dụng… nên thời gian vừa qua, nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan du lịch, sau đó xin chuyển đổi ở lại lao động.

Cũng theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện một số nhà thầu vẫn chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài.

"Chế độ thông tin báo cáo thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó và thiếu kịp thời, nhiều nhà thầu còn đưa ra các quy định quá cao về ngoại ngữ hoặc yêu cầu quá cao về chuyên môn để loại lao động Việt Nam ra khỏi quá trình tuyển chọn. Do đó, nhiều dự án, nhiều hạng mục công trình có nhu cầu sử dụng lao động với số lượng lớn nhưng tỉ lệ lao động Việt Nam được tuyển dụng rất thấp", báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu rõ.

Cơ quan này cũng đề xuất Bộ Công an sớm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú để tăng cường công tác quản lý, tránh tình trạng bị lạm dụng sự thông thoáng về thủ tục xuất nhập cảnh để lao động không có giấy phép tại Việt Nam.

Tin mới lên