Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Vẫn đang chờ các Sở Xây dựng!
Duy Phan -
12/12/2017 21:42 (GMT+7)
(VNF) – "Công việc cuối cùng là xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở và công bố các thông tin đó lên mạng nay sẽ do các Sở Xây dựng cấp tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, các Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa cho thấy bất kỳ tiến triển nào từ phía mình", báo cáo của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại thuộc VBF nhấn mạnh.
Báo cáo của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 nhận định Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc tạo ra môi trường đầu tư thân thiện, giúp cho những nhà kinh doanh trong nước và nước ngoài cùng gia đình của họ có thể làm việc an toàn và thoải mái. Cùng với đó, dịch vụ trường học và bệnh viện đã cải thiện đáng kể. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa cũng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Tuy nhiên, Nhóm cũng nhấn mạnh một yếu tố được chứng minh khó đạt được chính là lĩnh vực sở hữu nhà ở. "Dù đã ban hành các quy định cho phép bán có giới hạn một số loại căn hộ chung cư và biệt thự nhất định cho người nước ngoài nhưng vẫn chưa có những quy định thi hành được ban hành một cách kịp thời, dẫn đến xảy ra nhiều nhầm lẫn và rủi ro trong thị trường", nhóm này dẫn chứng.
Nhấn mạnh thêm, Báo cáo cho rằng vấn đề còn tồn đọng lớn nhất hiện nay là việc thực hiện các hạn chế đối với việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, việc này có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhóm dẫn chứng thêm, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/07/2015; Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99) có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 cũng đã quy định chi tiết các cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định 99 cũng yêu cầu Bộ Công an (BCA) và Bộ Quốc phòng (BQP) xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thông báo cho UBND cấp tỉnh.
Cùng với đó là 2 Văn bản gồm Văn bản số 786/BCA-TCAN ngày 19/04/2017 của BCA và Văn bản số 10328/BQP-TM ngày 19/10/2016 của BQP, khiến Nhóm hiểu rằng việc này đã được thực hiện.
Và theo đó, UBND cấp tỉnh phải dựa trên các văn bản hướng dẫn nêu trên của BCA và BQP để chỉ đạo các Sở Xây dựng cấp tỉnh xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở.
"Những điều trên cho thấy chính phủ đang mong muốn mọi việc tiến triển tốt hơn. Nay, công việc cuối cùng là xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở và công bố các thông tin đó lên mạng nay sẽ do các Sở Xây dựng cấp tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, các Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa cho thấy bất kỳ tiến triển nào từ phía mình", báo cáo của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại nhấn mạnh.
Theo đó, Nhóm nhận định: "Vì thế,việc trì hoãn kéo dài này thực sự làm cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài mong muốn mua nhà ở tại Việt Nam lo ngại. Chúng tôi mong rằng các Sở Xây dựng cấp tỉnh sẽ làm việc một cách chủ động và sát sao hơn với các cơ quan chức năng hữu quan để giải quyết những vấn đề này theo chỉ đạo của các UBND cấp tỉnh. Đây là bước cuối cùng để hiệu lực hóa quyền được mua nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam mà đáng lẽ ra đã phải có hiệu lực từ hơn 2 năm trước".
Một vấn đề đáng chú ý khác cũng được Nhóm này nhấn mạnh đó là sự hạn chế về mặt kỹ thuật đối với việc đăng ký quyền sở hữu nhà. Cụ thể, số căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu trong một tòa nhà chung cư bị giới hạn ở mức 30%, nhưng Bộ Xây dựng và các sở ở địa phương của Bộ này chưa áp dụng một hệ thống cần thiết để đăng ký và theo dõi số lượng căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một dự án nhất định. "Vì vậy, thị trường thứ cấp đã bị đóng băng hoàn toàn", Nhóm này khẳng định trong Báo cáo.
"Tại hầu hết các tỉnh thành, dường như không có một hệ thống nào cho việc thay đổi loại quyền sở hữu từ của người Việt sang người nước ngoài một khi tài sản đã được bán cho người trong nước. Rủi ro này chỉ làm tăng chi phí về vốn cần có để xây dựng quỹ nhà ở của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng những vấn đề này có thể được giải quyết sớm để thị trường có thể bắt đầu hoạt động bình thường", Nhóm công tác cho hay.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.