Tài chính

Nhiều nhà đầu tư ‘tham đúng lúc’, VN-Index thu hẹp đà giảm xuống còn 25 điểm

(VNF) - Trong khoảng thời gian thị trường lao dốc “cực điểm”, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Chẳng có lý do gì mà hoảng loạn thị trường thế này cả. Sẽ có nhiều người hôm nay tham đúng lúc!”.

Nhiều nhà đầu tư ‘tham đúng lúc’, VN-Index thu hẹp đà giảm xuống còn 25 điểm

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng "sẽ có nhiều người hôm nay tham đúng lúc!”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tưởng như đã ghi nhận thêm một ngày “đen tối” khi chỉ số VN-Index đã có lúc “bay” tới 42 điểm nhưng sau đó, đà giảm đã được thu hẹp xuống còn 25,18 điểm, chốt phiên 19/6 ở mức 962,16 điểm, tương ứng với mức giảm 2,55%.

Toàn sàn HoSE có tới 257 mã giảm giá, 32 mã đứng giá, 46 mã chứng khoán là tăng giá.

Trong khoảng thời gian thị trường lao dốc “cực điểm”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Chẳng có lý do gì mà hoảng loạn thị trường thế này cả. Sẽ có nhiều người hôm nay tham đúng lúc!”.

Như đã đề cập, thị trường sau đó đã hồi phục khá mạnh.

Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của đợt “bắt đáy” lần này khi cổ phiếu VCB của Vietcombank từ chỗ giảm tới 4,6% nhưng chốt phiên đã về lại giá tham chiếu; cổ phiếu CTG của VietinBank từ chỗ giảm 4,8% đã thu hẹp đà giảm xuống 1,7%; cổ phiếu BID của BIDV từ chỗ giảm 5,3% cũng thu hẹp đà giảm xuống 1,8%.

MBB của Ngân hàng Quân đội cũng gây ấn tượng khi đảo chiều từ chỗ giảm 5,4% lên chỉ còn giảm 1,8%.

Ấn tượng nhất là HDB của HDBank khi giữ giá tham chiếu. TPB của TPBank thậm chí còn tăng 0,4%.

Như thường lệ, 2 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes vẫn tiếp tục “đứng ngoài thị trường” khi biến động không nhiều; chốt phiên với mức giảm khá thấp, lần lượt 0,3% và 1,3%.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn ghi nhận mức giảm khá sâu dù đã có sự phục hồi đáng kể trong phiên. VNM của Vinamilk giảm 3,7%; SAB của Sabeco giảm 3%; GAS của PVGAS giảm 3,3%; TCB của Techcombank giảm 5%, MSN của Masan giảm 4,8%.

Một số cổ phiếu có vốn hóa lớn khác cũng ghi nhận mức giảm khá sâu. PLX của Petrolimex giảm 3,1%; VRE của Vincom Retail giảm 5%; HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 4,6%; VJC của Vietjet giảm 3%; BVH của Bảo Việt giảm 4,7%; VPB của VPBank giảm 4%; BHN của Habeco giảm 6,9%.

Cùng với đó, ROS của FLC Faros giảm 6,9%; HCM của Công ty Chứng khoán TP. HCM giảm 3,8%; VCI của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) giảm 7%; PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận giảm 6,2%.

Một số cổ phiếu lớn ngược chiều tăng điểm, ngoài TPBank đã đề cập, có thể kể đến SBT của Thành Thành Công – Biên Hòa (tăng 4,4%), HNG của HAGL Agrico (tăng 0,9%), CII của Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (tăng 0,4%).

Tin mới lên