Thị trường M&A Việt Nam 2018: Tiếp tục bùng nổ nhờ tư nhân hóa DNNN

Lê Anh - 03/01/2018 08:22 (GMT+7)

(VNF) - Giới đầu tư phán đoán thị trường Đông Nam Á sẽ chứng kiến thêm nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn trong năm tới, một trong những ứng cử viên mà họ đặt nhiều hy vọng chính là Việt Nam, một thị trường kinh tế mà trước đó họ từng đánh giá là "khá tẻ nhạt".

VNF
Vietnam Beverage đã hoàn tất việc chuyển gần 5 tỷ USD để mua trọn 53,59% cổ phần nhà nước chào bán tại Sabeco.

Trong năm 2017, thị trường M&A Việt Nam đã xuất hiện nhiều đợt "sóng" lớn, điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong khu vực.

Bà Srividya Gopalakrishnan, Giám đốc điều hành của Duff & Phelps, người đang có nhiều hoạt động đầu tư tại Việt Nam và Myanmar đã đưa ra nhận định: "Thị trường M&A Việt Nam rất hứa hẹn vì nó đang dần thu thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài".

Ông David Biller, Trưởng phòng Đầu tư và Hợp tác Châu Á của Citigroup cũng tỏ ra khá lạc quan về thị trường Việt Nam.

Vietnam Beverage (thuộc Tập đoàn Thai Bev, Thái Lan) đã đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Sabeco vào hồi giữa tháng 12, tương đương khoảng 53,59% cổ phần với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ là 109.965,6 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.

"Động thái này sẽ giúp kéo theo một loạt các giao dịch liên quan đến việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trong năm tới", ông Biller nhận định.

Trước đó, hồi giữa tháng 11, công ty Jardine Cycle & Carriage Limited (JC&C) đã thông qua Platinum Victory Pte. Ltd mua vào 5,53% cổ phần – tương đương với 80,285,671 triệu cổ phiếu của Vinamilk (HOSE: VNM), với tổng số tiền lên tới 616,6 triệu USD tương đương 13.565 tỷ đồng.

Thỏa thuận của Vinamilk là một phần của chiến lược đầu tư vào các công ty hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, JC&C chia sẻ với Singapore Exchange.

Theo phán đoán của ông Biller, Việt Nam sẽ có thêm từ 8-10 dự án tư nhân hóa lớn trong  năm tới.

Theo dự báo về hoạt động M&A trên toàn cầu của Baker McKenzie, nhiều nhà đầu tư chưa đặt niềm tin vào thị trường ở Việt Nam, một phần bởi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hồi tháng 1/2017

"Tuy nhiên nhờ hiệu quả của các chương trình tự do hoá nền kinh tế, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng sẽ phục hồi hoạt động M&A tại Việt Nam", báo cáo cho hay.

Cũng theo dự báo này, sẽ có tổng số 331 giao dịch M&A trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam trong 2 năm tới.

JC&C mua vào 5,53% cổ phần, tương đương với 80,285,671 triệu cổ phiếu của Vinamilk.

Ông Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của tập đoàn Nomura (Singapore) nhận định: "Các công ty Nhật Bản và Trung Quốc đang bắt đầu quan tâm tới các nước Đông Nam Á.  Chúng tôi đặc biệt lạc quan về Indonesia, Việt Nam và Philippines ", ông nói.

Theo ông, "làn sóng M&A ở Đông Nam Á sẽ gia tăng đáng kể trong năm nay do một vài yếu tố. Một yếu tố quan trọng là vì, so với khu vực Đông Bắc Á, các quốc gia ở Đông Nam Á đã ban hành nhiều chính sách cải cách kinh tế, ví như mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, đó là động thái tích cực cho các hoạt động M&A".

Giá trị của 290 giao dịch M&A ở Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Việt Nam và Philippines, đã đạt 53,5 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2017, tăng 23,1% so với 315 giao dịch trong cùng kỳ năm 2016, theo Mergemarket.

Theo dự đoán của Baker McKenzie, hoạt động M&A ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng hơn 30% so với mức 534 tỷ USD năm ngoái lên 710 tỷ USD trước khi đạt tới mức 750 tỷ USD vào năm tới.

Cũng theo dự đoán này, hoạt động M&A toàn cầu trong ngành hàng tiêu dùng và công nghiệp tài chính sẽ tiếp tục tạo ra tổng giá trị thỏa thuận cao nhất trong năm nay.

>> Điểm mặt 10 thương vụ thoái vốn Nhà nước đáng chú ý nhất năm 2018

Theo Straitstimes
Cùng chuyên mục
Tin khác