Tài chính

Triển vọng khiêm tốn, đâu là động lực tăng trưởng cho cổ phiếu Vinamilk?

(VNF) – SCIC thoái vốn và triển vọng từ chiến lược M&A là 2 trong số 4 động lực quan trọng đối với cổ phiếu VNM trong bối cảnh tăng trưởng năm 2018 của Vinamilk được dự báo ở mức khá khiêm tốn.

Triển vọng khiêm tốn, đâu là động lực tăng trưởng cho cổ phiếu Vinamilk?

Lợi nhuận quý I/2018 của Vinamilk bất ngờ giảm so với cùng kỳ năm 2017

Vì sao biên lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm?

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Theo HSC, kết quả kinh doanh quý I/2018 không được khả quan của Vinamilk là nằm trong kỳ vọng của thị trường.

Cụ thể, quý I/2018, doanh thu thuần của Vinamilk gần như giữ nguyên ở 12.120 tỷ đồng, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Đi sâu hơn, doanh thu từ thị trường trong nước tăng 3,1% lên 10.404 tỷ đồng, đóng góp 85,8% vào tổng doanh thu. Trong đó, doanh thu từ các sản phẩm chủ đạo (sữa và đồ uống) giảm nhẹ khoảng 2% trong khi đóng góp từ công ty đường mới được mua lại giúp doanh thu nội địa tăng. HSC ước tính doanh thu đóng góp từ công ty đường đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Doanh thu từ sữa giảm là do thời tiết giá lạnh đã kéo dài hơn dự kiến. Trong khi trên thực tế Vinamilk vẫn giành thêm được thị phần.

Phía Vinamilk cho biết, quy mô thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý I/2018 tăng nhẹ 2% ở khu vực thành thị và giảm 3% ở khu vực nông thôn. Trong đó quy mô thị trường sữa giảm 6% ở khu vực thành thị và giảm 8% ở khu vực nông thôn. Vinamilk đã giành thêm được 0,5% thị phần trong quý I/2018.

Doanh thu xuất khẩu giảm 16,8% so với cùng kỳ còn 931 tỷ đồng, đóng góp 7,7% vào tổng doanh thu. Đại diện Vinamilk cho hay các nhà phân phối của công ty tại Iraq đã chủ động giảm tiêu thụ tại thị trường này vì rủi ro phải thu khó đòi cao.

Bên cạnh đó, doanh thu từ công ty con (gồm Driftwood tại Mỹ và Angkor tại Campuchia) cũng giảm 6,4% so với cùng kỳ xuống còn 784 tỷ đồng.

Về giá vốn, giá vốn hàng bán quý I/2018 của Vinamilk là 6.633 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng 19,2%.

"Chúng tôi sẽ trao đổi với công ty để xem đầu là nguyên nhân chính ở đây. Tuy nhiên có vẻ như nguyên nhân chính là giá bột sữa nguyên kem WMP tăng 13% và giá chất béo khan AMF tăng 30%. Tuy nhiên giá các nguyên liệu đầu vào chính khác như bột sữa tách béo SMP và đường lần lượt giảm 14% và 10%. Chúng tôi đang chờ công ty cung cấp cơ cấu giá vốn hàng bán để có những phân tích sâu hơn", HSC cho biết.

Giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn doanh thu đã khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm xuống 45,3% từ mức 48,3% của quý I/2017. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế quý I/2018 của Vinamilk giảm 8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 2.701 tỷ đồng.

Năm 2018, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế của Vinamilk tăng trưởng 6%, lên 10.908 tỷ đồng, dựa trên dự báo doanh thu thuần của Vinamilk tăng 8,9% lên 55.569 tỷ đồng.

Triển vọng khiêm tốn, đâu là động lực tăng trưởng cho cổ phiếu VNM?

Mặc dù triển vọng tăng trưởng năm 2018 khiêm tốn hơn nhưng theo HSC, giá cổ phiếu VNM của Vinamilk có một số động lực quan trọng giúp tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu này vẫn tích cực trong trung hạn.

Đầu tiên là việc SCIC có khả năng sẽ tiếp tục bán đấu giá cổ phần VNM trong năm 2018 với giá cao và giảm tiếp tỷ lệ sở hữu.

"Hiện cả F&N và gần đây là Jardine C&C đều muốn trở thành cổ đông lớn nên có vẻ có nhu cầu mua vào các lô lớn cổ phiếu VNM. Nếu SCIC bán lô lớn cổ phiếu VNM thì có lẽ nhà đầu tư mua vào sẽ nắm được quyền kiểm soát; và do đó chúng tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để nhà đầu tư muốn mua sẽ trả giá cao để giành quyền kiểm soát, tương tự như trong trường hợp của Sabeco. Trên thực tế, hiện điều này chưa xảy ra nhưng nhà đầu tư sẽ luôn lưu tâm đến điều này", phía HSC đánh giá.

Thứ hai, VNM không phải là cổ phiếu được mua nhiều bằng margin.

"Chúng tôi được biết dư nợ cho vay margin đối với cổ phiếu VNM là rất thấp nếu so với bình quân VN30. Vì VNM không phải là cổ phiếu ưa chuộng đối với nhà đầu tư cá nhân nếu so với nhiều cổ phiếu bluechip có thị giá thấp khác. VNM được biết đến là cổ phiếu bluechip an toàn và có nền tảng vững chắc nên không thu hút được nhà đầu tư ngắn hạn. Và điều này cũng giúp hạn chế mức giảm giá cho cổ phiếu này", HSC nhận định.

Thứ ba, triển vọng tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam vẫn khả quan nhất khu vực.

HSC tiếp tục dự báo ngành sữa sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 9% trong vài năm tới nhờ chi tiêu nội địa trên đầu người cho các sản phẩm sữa vẫn thấp hơn khu vực. Ngoài ra dân số và mức độ đô thị hóa hiện vẫn đang tăng. "Và có vẻ giới trẻ vẫn tiếp tục sử dụng các sản phẩm sữa mặc dù đã trưởng thành", HSC cho hay.

Ngoài ra, theo HSC, có một số dấu hiệu cho thấy Vinamilk đang theo đuổi một chiến lược M&A tích cực.

"Vinamilk đã mua 65% cổ phần Đường Khánh Hòa và đây là một dấu hiệu nữa cho thấy công ty đang ngày càng quan tâm đến hoạt động M&A. Với dòng tiền mặt tự do là khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ là 0,02 lần và kế hoạch đầu tư hàng năm trong 4 năm tới chỉ là 3.400 tỷ đồng, thì Vinamilk có nhiều tiền để chi cho hoạt động M&A", phía HSC nhấn mạnh.

HSC dự đoán rằng Vinamilk đang theo đuổi một chiến lược M&A tích cực cả ở trong nước và nước ngoài. Trên thực tế đây có thể là một động lực cho giá cổ phiếu tuy rằng trước mắt quy mô các thương vụ M&A vẫn còn khiêm tốn.

Tin mới lên