Tiêu điểm

Xử lý 12 dự án nghìn tỷ yếu kém: Tìm ra điểm 'hóc' nhất để giải quyết

Tính đến thời điểm hiện nay, sau gần 2 năm kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33 và sau hơn 1 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định xử lý 12 dự án yếu kém thuộc Bộ Công thương, các dự án này đang có những chuyển biến rõ rệt.

Xử lý 12 dự án nghìn tỷ yếu kém: Tìm ra điểm 'hóc' nhất để giải quyết

Bên trong Nhà máy PVTEX Đình Vũ.

Thông tin với báo chí về tình hình xử lý 12 dự án yếu kém thuộc quản lý của Bộ Công thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết công tác tái cơ cấu các dự án đang được thực hiện đúng như kế hoạch đề ra.

Trong số này, 6 dự án thua lỗ nay đã có 2 dự án hoạt động hiệu quả hơn và có lãi. Dự án DAP số 1 tại Hải Phòng đạt mức lãi 147,6 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm nay. Cũng trong thời gian này, dự án Nhà máy Thép Việt Trung lãi 527,24 tỷ đồng.

Hoạt động của các dự án này đã ổn định hơn, đi vào nề nếp, quy củ hơn. 4 dự án còn lại trong nhóm 6 dự án nói trên đều đã có phương án tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất nên mức lỗ đã giảm dần. "Năm 2018 cơ bản xử lý được các vấn đề khó khăn vướng mắc tại các dự án này, đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm cả 12 dự án,” ông Dương Duy Hưng nói.

Trước đây, có 3 nhà máy bị dừng sản xuất, trong đó có dự án Sơ sợi Đình Vũ (PVTEX Đình Vũ), Dự án Nhà máy sản xuất sinh học Miền Trung và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Dương đều đã từng gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này cả 3 dự án đều đã được đưa vào vận hành.

Tháng 4/2018, một số dây chuyền PVTEX Đình Vũ đã hoạt động trở lại và sản phẩm được tiêu thụ tốt. Tới đây PVTEX Đình Vũ cũng sẽ đưa một số dây chuyền vào hoạt động trở lại.

 “Đối với hai dự án là Nhà máy sản xuất sinh học Miền Trung và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Dương trước đây từng gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này chúng tôi có thể khẳng định tất cả những vấn đề về kỹ thuật, về công nghệ… chúng ta đều xử lý được và chỉ cần ấn nút là có thể vận hành khi điều kiện thị trường thuận lợi. Các dự án khác như Nhà máy bột giấy Phương Nam đều có phương án và đang được triển khai việc bán đấu giá,” ông Dương Duy Hưng cho hay.

Cũng theo ông Hưng, sau 2 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 33, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án này đều giảm. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ của các dự án đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/1/2018, đồng thời bảo đảm được nguyên tắc không sử dụng vốn nhà nước để “bơm” cho các dự án, bảo đảm việc xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, thu hồi về cho ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC.

“Thực ra 12 dự án này khó khăn trải qua nhiều năm, có dự án đầu tư từ năm 2003, từ những việc liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, thị trường, tài chính, công tác tổ chức kinh doanh thì cái lớn nhất đạt được không phải xử ký về kinh tế, kỹ thuật mà còn xử lý được về mặt môi trường, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội khi các dự án đi vào hoạt động tại các địa phương,” ông Dương Duy Hưng cho biết.

Trong quá trình tái cơ cấu 12 dự án yếu kém, khó khăn nhất là việc xử lý tranh chấp ở các hợp đồng EPC vì đây đều là những dự án có quy mô lớn, kéo dài nhiều năm. Ngày 21/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, tổng công ty, trong đó giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp rà soát kỹ vấn đề pháp lý, từng bước xử lý tranh chấp đối với các hợp đồng EPC.

“Nếu xử lý được tranh chấp trong các hợp đồng EPC, chúng ta sẽ có được kết quả quyết toán của từng dự án và một loạt những vấn đề tiếp theo theo phương án đã trình Thủ tướng phê duyệt”, ông Hưng nói.

Tin mới lên