Toàn cảnh thi công Cao tốc Hoà Liên - Túy Loan 2.100 tỷ đồng
(VNF) - Tuyến đường được xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 5/11, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) nhắc lại tại kỳ họp tháng 10/2016 ông đã nêu vấn đề thiệt hại kinh tế quốc gia khi Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh của chính phủ (GGU) với dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ưu đãi thuế nhập khẩu.
Thực tế tính toán, sau khi bù trừ tiền thuế, phí thuê đất… ông Chiểu cho hay số tiền phải bỏ ra, trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm khi nhà máy vận hành thương mại là 36.730 tỷ đồng với giá dầu 50 USD/thùng, lên 47.800 tỷ đồng nếu giá đầu lên 60 USD/thùng và lên tới 88.100 tỷ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng.
Ngoài số tiền thiệt hại nêu trên, theo ông Chiểu, còn ba nội dung ưu đãi vi phạm bao gồm: áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp toàn bộ đời dự án, giảm 50% với thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ làm việc tại dự án; trong điều kiện thị trường ra sao Việt Nam vẫn phải tiêu thụ 100% xăng dầu sản xuất ra.
“Với ba cam kết trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu. Chắc chắn không phải là nhỏ, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng, cộng thêm ưu đãi cam kết thuế thì thiệt hại cho ngân sách rất lớn. Có phải chăng đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất hay không?”, ông Chiểu đặt câu hỏi.
Ông Chiểu thông tin thêm Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành chức năng nhiều lần thảo luận, đàm phán với nhà đầu tư để giảm thiệt hại thấp nhất cho ngân sách quốc gia, song nhà đầu tư vẫn không nhượng bộ. Lý do là các ưu đãi của GGU đã được họ tính vào chi phí hiệu quả kinh doanh.
“Số tiền gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư này sẽ được cấp trực tiếp từ ngân sách hay gián tiếp thông qua PVN đều là gánh nặng, tức là thuế của 100 triệu người dân hôm nay và con cháu chúng ta mai sau”, ông nói và yêu cầu truy trách nhiệm các cá nhân và tập thể sai phạm.
“Cần sớm có câu trả lời công khai trách nhiệm từ các cơ quan chức năng”, đại biểu Chiểu nêu ý kiến.
Phiên thảo luận ngày 5/11 tại hội trường Quốc hội nóng lên với sự tranh luận qua lại giữa các đại biểu cũng như giữa đại biểu với các bộ trưởng về hai vấn đề thời sự: thủy điện và rừng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện quy trình về pháp luật, pháp lý về quản lý các dự án thủy điện rất bài bản. Dự án phải có báo cáo về kinh tế, kỹ thuật; báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên nhiều đại biểu chưa đồng ý.
Liên quan đến các vấn đề về quản lý đất, nhất là xâm dụng đất rừng tự nhiên, ông Tuấn Anh cho hay, đầu tiên địa phương phải căn cứ quy định để bổ sung dự án vào quy hoạch. Trong đó nói rõ tiêu chí để sử dụng đất là như thế nào và nếu như vượt quá 10ha đất cho 1MW điện sẽ không xem xét, hoặc là đất rừng tự nhiên cũng đã có hướng dẫn cụ thể không được xem xét.
“Khi bố trí để bổ sung vào quy hoạch, chúng tôi phải làm thủ tục để xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan và nhiều cơ quan khác để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên trong các quy hoạch”, Bộ trưởng nói.
Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương) tranh luận và cho rằng: “Nếu phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tôi thấy mọi thứ chúng ta đều đúng, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá”.
Ông Hồng cho rằng Bộ trưởng nói lỗi do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện là chưa ổn.
“Ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với việc lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Chúng ta làm nhiều đập thủy điện thì nó không vỡ đập thủy điện, nhưng sẽ vỡ ở các chỗ khác. Nước dâng cao nó phải tìm đường thoát, tạo ra trái quy luật tự nhiên, nó sẽ gây ra những hậu quả”, ông Hồng nói.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) nhận định nếu nói thủy điện là nguyên nhân của sự tàn phá trong đợt lũ lụt vừa rồi phải xem xét lại. Chính nhờ đập thủy điện sông Đà (Hòa Bình) điều tiết lũ nên Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử.
Nhà máy thủy điện này cũng đã điều tiết nước rất tốt. Lũ lụt ở vùng Đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục, đó là mặt tốt của thủy điện.
Theo ông Vân, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật. Thậm chí, một số chủ nhà máy điện đã lạm dụng quy trình đó để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý tự nhiên. Việc đánh giá vai trò của thủy điện, thủy lợi cần phải khách quan, nhiều chiều, không vì lũ lụt mà “đổ hết cho thủy điện”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đưa ra hàng loạt dẫn chứng khoa học để chỉ rõ những thảm họa từ sạt lở, lũ lụt vừa qua là do tổ hợp các dạng thiên tai xảy ra cùng một lúc chứ “không phải do thủy điện nhỏ”.
Theo ông Hà, lỗi của phát triển thủy điện nhỏ nằm ở chỗ chưa tính toán được lợi ích, tính năng thiết kế, hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán thiết kế được các công trình này hài hòa với tự nhiên thì vừa có thể duy trì nguồn điện năng và không làm biến đổi tự nhiên.
Trên nghị trường Quốc hội ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: “Bộ đang tập trung việc cấp sổ đỏ cho các cảng hàng không. Sau đó, Bộ sẽ xem xét đề xuất của nhà đầu tư về xây dựng nhà ga hàng không theo hướng xã hội hóa”.
Ông Thể cũng cho hay thời gian qua, Bộ đã thí điểm xã hội hóa nhà ga hàng không tại Đà Nẵng, Cam Ranh. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đồng ý cho doanh nghiệp tham gia đầu tư các dịch vụ mặt đất từ bãi đỗ, sửa chữa tàu bay, cung cấp xăng dầu, suất ăn...
“Trong quá trình triển khai, Bộ nhận ra một số khiếm khuyết liên quan đến pháp luật, nên đang thực hiện kiểm điểm nội bộ, điều chỉnh một số nội dung trong đó có việc cấp sổ đỏ cho cảng hàng không”, Bộ trưởng nói.
Trước đó, Bộ GTVT đã thí điểm xã hội hoá tại cảng hàng không Vân Đồn, tới đây là cảng hàng không Lào Cai. Các sân bay này sẽ được xã hội hóa, các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng toàn bộ nhà ga, đường băng… không bị hạn chế.
Ông Thể cho biết thêm: hiện trong 1 sân bay có 2 sở hữu, đó là sở hữu của nhà nước và doanh nghiệp, khi chuyển sở hữu của nhà nước cho doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong các trường hợp cấp thiết thì nhà nước có thể trưng dụng hệ thống đường băng, sân đỗ, nhà ga là hoàn toàn hợp lệ và theo đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định Luật Chứng khoán.
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua, đồng thời cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A;
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định;
Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Trả lời chất vấn về tình trạng các nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng, các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ.
Song, ông Hùng cũng nêu thực tế Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế.
Đáng chú ý, Bộ trưởng cũng cho biết thuê bao của Netflix riêng quý I/2020 tại Việt Nam đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
“Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em, cụ thể: phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm...”, ông Hùng cho hay.
Về giải pháp để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét.
"Làm sao để dự án vẫn triển khai với ý định tốt đẹp là thúc đẩy kinh tế của TP. HCM và của khu vực đi lên, đồng thời bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ?", đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về dự án lấn biển Cần Giờ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tôi biết TP. HCM coi Cần Giờ là địa bàn hết sức đặc biệt. Cần Giờ có thể coi là điểm tựa, lá phổi của TP. HCM. Cần Giờ đã thể hiện việc con người đã phục hồi thiên nhiên”.
Về mục tiêu của dự án, Bộ trưởng nhấn mạnh phải giữ được biểu tượng đó là lá phổi, hệ sinh thái sinh quyển được UNESCO công nhận, đồng thời phát triển đô thị phải dựa trên sự cân bằng hệ sinh thái.
“Chúng tôi đã trao đổi với UNESCO, các khung pháp lý của tổ chức này chia khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ ra 4 vùng: vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận và vùng bán lân cận”, Bộ trưởng thông tin.
Cũng theo ông Hà, phần đang phê duyệt dự án nằm ở vùng kết nối với vùng bán lân cận. UNESCO cũng có văn bản khẳng định đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định.
Bộ trưởng cũng cho biết các tác động của các dự án này đã được tính toán kỹ lưỡng. Chủ đầu tư đã có ý thức sử dụng các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn của Hà Lan, các tập đoàn đứng thứ ba thế giới để đánh giá tác động môi trường và xã hội để thực hiện dự án.
Quốc hội đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP 6% và chỉ số giá tiêu dùng đạt bình quân 4%, theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 11/11.
Với mức tăng trưởng 6% được Quốc hội giao, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.
Chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động là 4,8%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo là 66%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 25,5%.
Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm. Dân cư khu vực thành thị được cấp nước sạch là 90%, thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị là trên 87%, tỷ lệ che phủ rừng là 42%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình đề ra, theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả;
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh; đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.
Trả lời chất vấn Quốc hội ngày 9/11 liên quan đến vấn đề vấn đề về nguồn lực phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lo hoàn thành các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau - Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Nguồn lực thứ hai theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là từ địa phương, ở đây là nguồn lực mà địa phương được trung ương phân bổ cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng.
Thứ ba là nguồn lực trung ương. Trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 2 tỷ USD trong giai đoạn tới.
Một nguồn lực nữa được ông Dũng nhắc tới là huy động từ các hợp đồng đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ là 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.
Bên cạnh đó, trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét.
Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT chủ trì.
Nhiều đại biểu băn khoăn về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc tách thành 2 luật. Đại biểu Đỗ Văn Sinh, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng việc tách thành 2 luật là “không ổn”.
“Nó giống như ta chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có 4 chân, giờ phải xẻ thành 2 con lợn mỗi con có 2 chân thì nó không còn là lợn nữa”, ông Sinh ví von.
Có cùng lập luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, không đồng tình với giải trình của cơ quan soạn thảo, rằng tai nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ rất nhiều, chiếm 95% tổng số vụ nên cần phải có Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
“Nguyên nhân nào thì phải giải pháp đó. Nguyên nhân là con người thì phải tìm giải pháp là con người, như nâng cao ý thức nhận thức. Nguyên nhân là con người mà tại sao lại tìm giải pháp là tách riêng luật, rồi sau đó chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về một số vấn đề?”, bà Hoa nêu và cho biết "rất băn khoăn".
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng bày tỏ băn khoăn về việc tách luật vì cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn “đang có vấn đề”.
“Nói gì thì nói, bây giờ xây dựng luật phải nằm trong một tổng thể hệ thống pháp luật mà nó phải có quy chuẩn chung, không thể tùy tiện hoặc mình thực hiện theo một ý chí nào đó”, ông Thắng nói.
Ngày 13/11, đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2021.
Theo dự luật vừa được Quốc hội thông qua, kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trong trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Do việc cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh nơi cư trú còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 266/402 đại biểu Quốc hội tham gia cho ý kiến đã đồng ý với phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.
(VNF) - Tuyến đường được xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m