10 năm đối tác toàn diện Việt - Mỹ: Kỳ vọng nâng tầm cao mới

Nhật Minh - 31/08/2023 23:59 (GMT+7)

(VNF) - Trong 10 năm là Đối tác toàn diện với Việt Nam, phía Mỹ đã hỗ trợ hàng trăm triệu USD nhằm giúp Việt Nam phát triển nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, y tế đến an sinh xã hội hay môi trường.

Năm 2023 là năm đánh dấu cột mốc 10 năm trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển từ mối quan hệ viện trợ sang đối tác thương mại, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến giáo dục, y tế…

Về kinh tế, thương mại hai chiều Việt – Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc, chạm mức gần 139 tỷ USD trong cuối năm 2022, tăng gấp 5 lần so với trước khi bắt đầu mối quan hệ Đối tác toàn diện. Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên toàn thế giới.

Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng trở thành thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng đã và đang rót hàng tỷ USD vào nhiều dự án tầm cỡ ở Việt Nam, trong đó phải kể đến những cái tên như Coca-Cola, Intel, Cargill…

Nhiều tập đoàn lớn hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, hàng không vũ trụ, thương mại điện tử cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Mỹ đã tài trợ 14,2 triệu USD cho 3 trường đại học của Việt Nam.

Không chỉ kinh tế, Mỹ cũng đã và đang quan tâm tới phát triển giáo dục, y tế, an sinh xã hội, môi trường tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực giáo dục, trong năm 2022 vừa qua, Mỹ đã tài trợ 14,2 triệu USD giúp 3 trường đại học của Việt Nam đổi mới giáo dục. Khoản tài trợ này nằm trong khuôn khổ dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) kéo dài trong 5 năm và do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tài trợ không hoàn trả lại.

Theo đó, Đại học Indiana của Mỹ sẽ giúp 3 trường đại học của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, và Đại học Đà Nẵng trở thành các hình mẫu của nền giáo dục đại học hiện đại. Có khoảng hơn 200.000 sinh viên Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này.

Mỹ còn đồng hành với Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang năng lượng sạch khi khởi động dự án năng lượng sạch với trị giá lên tới 36 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển 2.000MW điện tái tạo, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020 – 2025. Trước đó vào năm 2015 – 2020, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cũng đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Công thương xây dựng Quy hoạch Điện 8 và thiết kế chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Mỹ cũng đã tài trợ 2,96 triệu USD cho dự án thí điểm phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Nhà máy điện mặt trời của Công ty AMI AC Renewables ở tỉnh Khánh Hòa.

Mục tiêu của dự án này là sử dụng công nghệ và thiết bị hàng đầu của Mỹ để xây dựng và kết nối với nhà máy điện mặt trời của AMI AC Renewables, giúp hỗ trợ cho hệ thống năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Ngoài ra, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ còn hỗ trợ 860.000 USD cho 3 dự án năng lượng tái tạo ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Cà Mau và Trà Vinh trong năm 2021.

Mỹ còn hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ở lĩnh vực môi trường, Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam với ngân sách 11,3 triệu USD.

Mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng sâu sắc hơn khi cả hai bên đều nỗ lực để hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Trong khi Việt Nam giúp Mỹ trong việc tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh thì phía Mỹ cũng đã hỗ trợ Việt Nam xử lý, giải quyết các vật liệt chưa nổ hay chất độc dioxin ở nhiều vùng.

Vào đầu tháng 3 năm nay, Mỹ đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 73 triệu USD để xử lý và làm sạch đất sân bay Biên Hòa. Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa được khởi công từ năm 2019 và dự kiến kéo dài 10 năm với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD.

Lô vắc-xin của Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong thời kỳ dịch Covid-19.

Trong đó, tính đến nay, chính phủ Mỹ đã đóng góp 163,25 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD mà Mỹ dự kiến sẽ tài trợ cho dự án này. Trước đó, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ cũng đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ còn triển khai chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam và đã cung cấp hơn 140 triệu USD. Đây được coi là chương trình có quy mô lớn nhất và được thực hiện lâu nhất trên thế giới.

Có thể thấy rằng trong 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, Mỹ đã trở thành đối tác tin cậy và hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Trong những năm tới, mối quan hệ Việt Nam – Mỹ được kỳ vọng sẽ phát triển lên tầm cao mới, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở cả hai phía.

Cùng chuyên mục
Tin khác