10 tỷ phú USD Việt Nam: Sắp gọi tên ông Trương Gia Bình?

Mạnh Hà - 04/10/2024 09:15 (GMT+7)

Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó, Tập đoàn FPT bứt phá, đẩy tài sản của doanh nhân công nghệ Trương Gia Bình tăng mạnh. Liệu đại gia gốc Đà Nẵng sẽ là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam?

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn từ bất động sản, tài chính đến bán lẻ… đối mặt với khó khăn, Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình đón thông tin tích cực, cổ phiếu bứt phá.

Từ mức 75.000 đồng/cp hồi cuối tháng 10/2023, FPT tăng mạnh, có lúc lên gần 140.000 đồng/cp hồi tháng 7, hiện vẫn quanh ngưỡng 135.000 đồng/cp. Cú bứt phá của FPT ngược dòng với tình hình thị trường trầm lắng, thanh khoản thấp, khối ngoại bán ròng mạnh…

Tài sản của ông Trương Gia Bình tăng gần gấp đôi và hiện ở mức khoảng 12.100 tỷ đồng, xếp thứ 7 trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Với nhiều thông tin hỗ trợ, cùng xu hướng phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), tập đoàn công nghệ hiếm hoi tại Việt Nam có thể sẽ còn những bước tiến mạnh trong tương lai. Nhiều người nghĩ tới khả năng ông Trương Gia Bình sẽ là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình có thể là tỷ phú USD thứ 7. Theo Nghị quyết 66 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41, mục tiêu có ít nhất 70 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD và 10 tỷ phú USD vào năm 2030.

Ông Trương Gia Bình. Ảnh: HH

FPT đón nhiều tin tốt

Ngày 2/10, HĐQT CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) thông qua việc lập công ty con, sở hữu 100% vốn, là Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu (Quận 3, TPHCM). Công ty này sẽ quản lý khoản đầu tư của tập đoàn tại CTCP Dược phẩm FPT Long Châu - chủ chuỗi cửa hàng dược phẩm Long Châu. Quyết định này được xem là động thái mở đường cho ông lớn bán lẻ thuộc FPT có thể huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ chuỗi nhà thuốc Long Châu cho các nhà đầu tư. Việc thành lập công ty đầu tư/holdings là mô hình căn bản để IPO và đưa cổ phiếu lên sàn.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT, cho biết công ty tham vọng trở thành đơn vị chăm sóc sức khoẻ, xây dựng hệ sinh thái sức khoẻ toàn diện với các khâu như dự phòng, chẩn đoán (xét nghiệm), điều trị (phòng khám, bệnh viện), thuốc kê đơn, chăm sóc tại nhà, bảo hiểm sức khoẻ.

Đây có thể là một bước tiến mới của FPT. Tập đoàn FPT hiện nắm hơn 46,5% cổ phần FRT, bên cạnh các cổ đông lớn là các ông lớn ngoại như Dragon Capital, CTBC Vietnam Equity Fund, Norges Bank…

Mặc dù mới được phát triển từ năm 2017, đến nay, FPT Long Châu có gần 2.000 nhà thuốc và 123 trung tâm tiêm chủng, phục vụ hơn 20 triệu khách hàng toàn quốc. Đây cũng là chuỗi nhà thuốc duy nhất có mặt ở 63 tỉnh, thành. Trong năm 2023, chuỗi nhà thuốc mang về 15.888 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 66% so với 2022. Các cửa hàng ghi nhận doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức 1,1 tỷ đồng.

Năm 2024, FPT Long Châu tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc đóng góp hơn 11.500 tỷ đồng doanh thu, chiếm 63% cơ cấu doanh thu của FRT, tăng 67% cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng của FPT Long Châu nhanh và được đánh giá sẽ góp phần không nhỏ cho sự bứt phá của FPT thời gian gần đây cũng như tương lai.

Các "cỗ máy in tiền" của tỷ phú Trương Gia Bình

Tập đoàn FPT có triển vọng tích cực trong lĩnh vực công nghệ. Theo SSI Research, lợi nhuận sau thuế của FPT có thể vượt 9.000 tỷ đồng năm 2024 và vượt 11.000 tỷ đồng trong năm 2025. Lĩnh vực AI là đầy tiềm năng với nhiều nhà máy AI (AI Factory) đang hình thành.

Trong 6 tháng đầu năm, FPT báo lợi nhuận sau thuế đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 21%. Mục tiêu dịch vụ đám mây GPU từ AI Factory sẽ đạt 100 triệu USD năm 2027, nhờ mối quan hệ hợp tác AI với ông lớn Nvidia. Mảng công nghệ thông tin nước ngoài của FPT phát triển mạnh, với thị trường Nhật tăng 35%, châu Âu tăng 54%... trong nửa đầu năm. FPT cũng ghi dấu ấn tăng trưởng mạnh trong mảng giáo dục.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank - LPB) của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) có ý định bỏ ra khoảng 10.000 tỷ đồng mua 5% vốn FPT. LPBank đánh giá, FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh vững vàng, tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. FPT ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào AI, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển. Mã FPT là một trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định các năm, chi trả cổ tức đều đặn.

Có thể thấy, cùng với làn sóng AI trên thế giới, cổ phiếu FPT đang trong xu hướng tăng giá ấn tượng. Nhiều ông lớn công nghệ quốc tế thăng hoa như Nvidia của Chủ tịch kiêm CEO Jensen Huang, các cổ phiếu như Super Micro Computer, Amazon, Microsoft và Google… Cổ phiếu Nvidia tăng giá gần 6.000 lần kể từ khi IPO năm 1999 đến nay. Một số tập đoàn công nghệ lớn đang đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt.

Tại Việt Nam, FPT tăng giá mạnh sau một khoảng thời gian dài chững lại. Cú bứt phá đầy hứa hẹn, nhờ những lợi thế từ hoạt động xuất khẩu phần mềm cũng như hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Nvidia... 

Về chính sách, ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Và rất có thể, sự bứt phá của cổ phiếu công nghệ FPT sẽ đưa ông Trương Gia Bình trở thành tỷ phú USD, giống như CEO Jensen Huang.

Theo Vietnamnet
Chốt năm Quý Mão: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng số 1, ông Trương Gia Bình bứt phá

Chốt năm Quý Mão: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng số 1, ông Trương Gia Bình bứt phá

Nhân vật
Các tỷ phú Việt chứng kiến tài sản biến động khá mạnh nhưng vị trí xếp hạng không có nhiều thay đổi trong năm Quý Mão. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vững ngôi vương. Ông Trần Đình Long bứt phá. Ông Trương Gia Bình lọt vào top 10.
Cùng chuyên mục
Tin khác