1.000 tỷ USD thặng dư thương mại: Thành công hay dấu hiệu bất ổn của kinh tế Trung Quốc?
(VNF) - Trung Quốc ngày 13/1 công bố thặng dư thương mại đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm 2024 khi hàng xuất khẩu của nước này tràn ngập toàn cầu, trong khi các doanh nghiệp và hộ gia đình trong nước chi tiêu thận trọng vào hàng nhập khẩu.
Thặng dư thương mại kỷ lục
Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 13/1 cho biết nước này đã xuất khẩu 3,58 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu 2,59 nghìn tỷ USD. Theo đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc lên tới 990 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục trước đó của Trung Quốc là 838 tỷ USD vào năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu mạnh mẽ vào tháng 12, bao gồm một số mặt hàng có thể đã được chuyển nhanh đến Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức và bắt đầu tăng thuế, đã đưa Trung Quốc đạt mức thặng dư kỷ lục mới trong một tháng là 104,8 tỷ USD.
Khi điều chỉnh theo lạm phát, thặng dư thương mại của Trung Quốc năm ngoái vượt xa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong thế kỷ qua, thậm chí cả các cường quốc xuất khẩu như Đức, Nhật Bản hay Mỹ. Các nhà máy của Trung Quốc đang thống trị ngành sản xuất toàn cầu ở quy mô mà không quốc gia nào từng trải qua kể cả Mỹ sau Thế chiến II.
Việc Trung Quốc xuất khẩu mọi thứ từ ô tô đến tấm pin mặt trời đã mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước. Hoạt động xuất khẩu đã tạo ra hàng triệu việc làm không chỉ cho công nhân nhà máy, những người có mức lương điều chỉnh theo lạm phát đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua mà còn cho các kỹ sư, nhà thiết kế và nhà khoa học nghiên cứu có thu nhập cao.
Đồng thời, nhập khẩu hàng hóa nhà máy của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Quốc gia này đã theo đuổi sự tự lực quốc gia trong 2 thập kỷ qua, đáng chú ý nhất là thông qua chính sách Made in China 2025, trong đó Bắc Kinh cam kết đầu tư 300 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất tiên tiến.
Trung Quốc đã chuyển từ nhập khẩu ô tô trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Đức. Một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất máy bay phản lực thương mại một lối đi, trong nỗ lực thay thế máy bay Airbus và Boeing vào một ngày nào đó. Các công ty Trung Quốc sản xuất hầu hết các tấm pin mặt trời trên thế giới .
Xuất khẩu của Trung Quốc đang bùng nổ khi nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn. Thặng dư thương mại đã bù đắp một phần thiệt hại từ sự sụp đổ của thị trường nhà ở đã gây tổn thương cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hàng triệu công nhân xây dựng đã mất việc làm, trong khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã mất phần lớn tiền tiết kiệm. Điều này khiến nhiều gia đình không muốn chi tiêu cho hàng nhập khẩu, thậm chí cả hàng hóa và dịch vụ trong nước.
Việc xây dựng quá mức các nhà máy ở Trung Quốc đã bắt đầu gây tổn hại cho nhiều công ty Trung Quốc, khiến giá cả giảm, thua lỗ nặng nề và thậm chí là vỡ nợ.
Phản ứng toàn cầu
Việc hàng hóa tràn ra từ các nhà máy Trung Quốc đã gây ra sự chỉ trích từ danh sách ngày càng dài các đối tác thương mại của Trung Quốc. Các nước công nghiệp hóa và đang phát triển đều đã áp dụng thuế quan, cố gắng làm chậm lại dòng chảy. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã trả đũa tương tự, đưa thế giới đến gần hơn với một cuộc chiến thương mại có thể làm mất ổn định hơn nữa nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tuần tới, đã đe dọa sẽ tăng cường các chính sách thương mại vốn đã hung hăng của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Phản ứng dữ dội đối với sự mất cân bằng thương mại của Trung Quốc đến từ các nước công nghiệp hóa và đang phát triển. Chính phủ nhiều nước lo ngại về việc đóng cửa nhà máy và mất việc làm trong các ngành sản xuất không thể cạnh tranh với giá thấp từ Trung Quốc.
Liên minh châu Âu và Mỹ đã tăng thuế vào năm ngoái đối với ô tô từ Trung Quốc. Nhưng một số rào cản lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã được dựng lên bởi các quốc gia ít giàu có hơn với các ngành sản xuất có thu nhập trung bình, như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia. Họ đã ở trên bờ vực công nghiệp hóa nhưng lo sợ rằng điều đó có thể tuột mất.
Khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng hơn 12% một năm. Giá trị USD của hàng xuất khẩu của nước này đã tăng bằng một nửa tốc độ đó vì giá cả giảm mạnh và các công ty Trung Quốc sản xuất nhiều hàng hóa hơn mức người mua nước ngoài sẵn sàng mua.
Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh đang sử dụng quyền kiểm soát các ngân hàng nhà nước của để đầu tư quá mức vào năng lực nhà máy. Khoản cho vay ròng của các ngân hàng cho ngành công nghiệp là 83 tỷ USD vào năm 2019, trước đại dịch. Con số đó tăng lên 670 tỷ USD vào năm 2023, mặc dù tốc độ đã chậm lại phần nào trong năm nay.
Ông R. Nicholas Burns, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc đang mắc phải sai lầm lớn khi sản xuất lượng hàng gấp hai đến ba lần nhu cầu trong nước ở một số lĩnh vực, dù là thép, rô bốt hay xe điện, pin lithium, tấm pin mặt trời, rồi xuất khẩu lượng hàng dư thừa đi khắp thế giới”.
Trung Quốc không thâm hụt thương mại kể từ năm 1993. Thặng dư thương mại năm 2024 của nước này vượt xa các kỷ lục trước đó khi điều chỉnh theo lạm phát. Ví dụ, thặng dư của Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 1993 ở mức 96 tỷ USD. Con số đó tương đương với 185 tỷ USD theo giá trị USD ngày nay, hoặc ít hơn một phần năm thặng dư của Trung Quốc vào năm ngoái.
Thặng dư thương mại mở rộng của Trung Quốc chiếm tới một nửa tăng trưởng kinh tế của cả nước vào năm ngoái. Đầu tư vào các nhà máy mới để xuất khẩu chiếm phần lớn phần tăng trưởng còn lại.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 1/3 hàng hóa sản xuất trên thế giới. Con số này lớn hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.
Trung Quốc – EU lại đụng độ, tranh chấp thương mại leo thang
- 'Trump 2.0' và những biến số mới với nền kinh tế toàn cầu 11/01/2025 07:30
- Thảm hoạ gây thiệt hại lớn nhất lịch sử Mỹ: San bằng 160km2, 12.000 công trình bị thiêu rụi 13/01/2025 10:03
- Bị Mỹ chặn nguồn thu quan trọng, Nga tuyên bố 'sẽ đáp trả' 13/01/2025 08:45
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.