Trung Quốc – EU lại đụng độ, tranh chấp thương mại leo thang
(VNF) - Trung Quốc cáo buộc các cuộc điều tra do Liên minh châu Âu (EU) tiến hành đối với các công ty Trung Quốc cấu thành "rào cản thương mại và đầu tư không công bằng", đánh dấu cuộc đụng độ mới nhất trong tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa hai bên.
Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đã công bố kết quả điều tra về Quy định trợ cấp nước ngoài (FSR) của EU, nhấn mạnh "việc thực hiện có chọn lọc" là mối quan tâm chính.
Trung Quốc cho biết các cuộc điều tra do EU tiến hành đối với các công ty Trung Quốc cấu thành "rào cản thương mại và đầu tư không công bằng".
Thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc được đưa ra sau khi hoàn tất cuộc điều tra về việc EU xem xét trợ cấp nước ngoài.
Cuộc điều tra của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7/2024 nhằm đáp lại việc Brussels tìm hiểu xem liệu trợ cấp của chính phủ Trung Quốc có gây tổn hại đến sự cạnh tranh ở châu Âu hay không.
Hai cường quốc kinh tế này đã bất hòa chủ yếu do lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện của Bắc Kinh.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Quy định trợ cấp nước ngoài (FSR) của EU phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc kết luận rằng EU đã tiến hành các cuộc điều tra chuyên sâu chỉ nhằm vào các công ty Trung Quốc tham gia mua sắm công, cùng với các cuộc thanh tra bất ngờ và các biện pháp thực thi nghiêm ngặt khác đối với các công ty Trung Quốc.
Bộ Thương mại cho hay điều này có nghĩa là "các sản phẩm của Trung Quốc đang bị đối xử bất lợi hơn trong quá trình xuất khẩu sang EU so với các sản phẩm từ các nước thứ ba".
Báo cáo cũng cho biết FSR có tiêu chí "mơ hồ" để điều tra trợ cấp nước ngoài, đặt "gánh nặng lớn" lên các công ty bị nhắm mục tiêu và có các thủ tục không rõ ràng gây ra "sự không chắc chắn lớn".
Bộ này tuyên bố rằng các biện pháp của EU như thanh tra bất ngờ "đã đi quá xa" và các nhà điều tra đã "chủ quan và tùy tiện" về việc bóp méo thị trường.
Theo bộ này, các quy định của FSR đã gây ra thiệt hại hơn 15 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD).
Bắc Kinh không nêu rõ bất kỳ hành động nào mà họ dự định thực hiện sau kết quả điều tra. Trước đó, họ đã nói rằng nếu các chính sách đối ngoại được xác định là rào cản thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc đàm phán song phương, bắt đầu giải quyết tranh chấp đa phương và thực hiện "các biện pháp thích hợp khác". Bộ này cũng cho biết các bước này có thể bao gồm việc đề xuất "các biện pháp trả đũa".
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước như yêu cầu EU đàm phán, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Cuộc điều tra của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa nước này với Brussels đang leo thang, khi EU áp mức thuế lên tới 45% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sau khi xác định rằng trợ cấp của nhà nước đã mang lại cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc một lợi thế không công bằng.
Ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, đã bảo vệ quy định này là "không thiên vị quốc gia" trong một tuyên bố sau động thái của Bắc Kinh.
Ông cho biết biện pháp này "nhằm chống lại những tác động bóp méo mà trợ cấp có thể gây ra, với mục đích đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong thị trường chung của EU".
Các quy định này trao cho Brussels quyền thẩm định các khoản trợ cấp mà họ cho là có khả năng bóp méo thị trường trong khối 27 thành viên. Các cơ quan quản lý có thể phạt tiền, đình chỉ đấu thầu hoặc chặn hoàn toàn việc tiếp quản của nhà nước.
Sử dụng luật này, EU đã bắt đầu một cuộc điều tra vào năm ngoái đối với một nhà sản xuất tàu hỏa Trung Quốc đang có kế hoạch bán tàu hỏa tại Bulgaria, khiến công ty này phải rút lui. Ủy ban châu Âu cũng đã đột kích các văn phòng của nhà cung cấp thiết bị an ninh Trung Quốc Nuctech tại Ba Lan và Hà Lan vào năm ngoái.
Riêng một cuộc khảo sát được Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố ngày 9/1 cho thấy các công ty châu Âu tại Trung Quốc đang chịu áp lực phải địa phương hóa hoạt động của mình để tuân thủ các quy định của nước này, làm giảm hiệu quả và khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Báo cáo, dựa trên các cuộc khảo sát và phỏng vấn 128 công ty thành viên từ tháng 8 - 11/2024, phác thảo cách các doanh nghiệp đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng, lực lượng lao động và hoạt động R&D để duy trì khả năng tuân thủ và cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của EU vào Trung Quốc đã giảm 29% so với năm 2022 và Phòng Thương mại cảnh báo rằng xu hướng này có khả năng sẽ tăng cường nếu các công ty nhận thấy chi phí ở lại Trung Quốc lớn hơn lợi ích.
Trung Quốc trông cậy vào lò vi sóng, nồi cơm điện để phục hồi kinh tế
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.