19 tập đoàn, tổng công ty về các Bộ, hệ thống cán bộ cũng đi theo

Hoàng Minh - 06/12/2024 19:01 (GMT+7)

(VNF) - Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, cần tính phương án hiệu quả nhất sau khi giải thể Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC)

Chiều 06/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đề cập tới nội dung trọng tâm đó Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, sẽ kết thúc hoạt động của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tháng 12/2024.

Phó Thủ tướng cho biết, cần tính toán phương án để đảm bảo hiệu quả hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị

Theo kế hoạch, một bộ phận của Ủy ban sẽ về Bộ Tài chính, một số bộ phận khác sẽ chuyển về các bộ ngành, đơn vị khác.

"Bây giờ quan điểm là đưa các doanh nghiệp trở về với các bộ ngành và tất nhiên hệ thống cán bộ cũng đi theo, nhưng mối quan hệ giữa quản lý vốn và quản lý ngành, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với chủ quản lý vốn thế nào, đây là vấn đề phải tính đến để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất", ông Phớc phân tích.

Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban cần họp với các tập đoàn, tổng công ty, các bộ ngành sắp xếp như thế nào để đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp.

Thông tin tại Hội nghị, đại diện của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau 5 năm chuyển về Ủy ban, hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hàng năm. Tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển.

Tính đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018), tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%), tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%).

Tổng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu NSNN hàng năm của cả nước.

19 Tập đoàn, Tổng công ty sẽ được chuyển về các Bộ ngành, lĩnh vực đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp

Lãnh đạo CMSC cũng nhận định, việc xử lý các tồn tại, vướng mắc và tái khởi động các dự án yếu kém, thua lỗ đạt nhiều hiệu quả tích cực.

Theo đó, 11 dự án, doanh nghiệp yếu kém của ngành Công thương sau khi tái cơ cấu, tái khởi động hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã tạo được dòng tiền trả nợ ngân hàng, cung ứng sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động...

Đánh giá tổng thể, đại diện CMSC cho rằng, sau hơn 5 năm chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban, chưa phát sinh sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp.

"Một số trường hợp bị xử lý kỷ luật, khởi tố là do có liên quan các sai phạm phát sinh trước khi chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban", vị đại diện CMSC nói thêm.

Tuy nhiên, lãnh đạo CMSC cũng thẳng thắn thừa nhận, do nhiều nguyên nhân, trong đó có khung khổ pháp luật cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban hoàn toàn dựa trên hệ thống thể chế, pháp luật có sẵn, phương thức hoạt động vẫn là quản lý hành chính như các bộ trước đây, chưa bổ sung, điều chỉnh để có thể nâng cao năng lực, hiệu quả của mô hình mới. Cùng với đó, nguồn lực ban đầu của Ủy ban rất hạn chế, trong đó không có cơ chế cho nhân sự chất lượng cao.

Chính vì vậy, hoạt động của Uỷ ban chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra là phải tạo ra bước đột phá.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 vừa ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Trong đó, sẽ kết thúc hoạt động của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty (hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển sau khi hợp nhất.

Đối với các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Đảng bộ của một số tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam... theo hướng là đầu mối tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

19 tập đoàn, tổng công ty 'về đâu' khi 'siêu Uỷ ban' kết thúc hoạt động

19 tập đoàn, tổng công ty 'về đâu' khi 'siêu Uỷ ban' kết thúc hoạt động

Doanh nghiệp
(VNF) - Theo kế hoạch, nhiệm vụ quản lý nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ do các Bộ chịu trách nhiệm quản lý, đảm bảo tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu
Cùng chuyên mục
Tin khác