Tài chính quốc tế

2 'đại gia ngân hàng' hoàn tất giao dịch 25 triệu Euro trên nền tảng Blockchain

(VNF) – Blockchain được coi như một bước tiến mới để các ngân hàng cắt giảm chi phí và đơn giản hóa các thủ tục. Credit Suisse của Thụy Sỹ và ING của Hà Lan mới đây đã hoàn thành giao dịch 25 triệu Euro tiền chứng khoán dựa vào nền tảng công nghệ này.

2 'đại gia ngân hàng' hoàn tất giao dịch 25 triệu Euro trên nền tảng Blockchain

Credit Suisse và ING đã hoàn thành giao dịch 25 triệu Euro tiền chứng khoán dựa vào nền tảng Blockchain.

Thương vụ của Credit Suisse và ING là một trong số những ví dụ điển hình về trao đổi vốn thật, sử dụng công nghệ Blockchain.

Theo Reuters, giao dịch này liên quan tới hoạt động trao đổi chứng khoán thông qua một ứng dụng của công ty công nghệ tài chính HQLAX và liên hiệp doanh nghiệp Blockchain R3. Ứng dụng này được ra mắt vào tháng 4/2017, trong nỗ lực chung của R3 và 5 ngân hàng thành viên, bao gồm Credit Suisse và ING.

Mặc dù hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm, Herve Francois, một nhà lãnh đạo chủ chốt tại ING cho biết, ứng dụng này dự kiến sẽ được chính thức phát hành rộng rãi vào cuối năm nay.

Trở thành xu thế thanh toán mới

Các ngân hàng lớn trên thế giới thời gian gần đây đã đầu tư hàng triệu USD để phát triển các ứng dụng Blockchain nhằm mục đích cắt giảm chi phí và đơn giản hóa các thủ tục.

Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) hiện cũng đang thử nghiệm dùng Blockchain cho các khoản thanh toán giữa các chi nhánh ở Mỹ và Canada.

CNBC đưa tin hãng IBM đang xây dựng công nghệ blockchain dành riêng cho bảy ngân hàng lớn nhất châu Âu (gồm Deutsche Bank, HSBC, KBC, Natixis, Rabobank, Societe Generale và Unicredit) để tăng hiệu quả giao thương quốc tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

IBM đang xây dựng công nghệ blockchain dành riêng cho 7 ngân hàng lớn nhất châu Âu.

Ngân hàng Wells Fargo và Commonwealth Bank of Australia cũng từng dùng blockchain để xử lý và thực hiện các chuyến xuất khẩu cotton từ Mỹ sang Trung Quốc.

Tháng 6/2017, Daimler, hãng xe Đức sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz, hợp tác cùng Ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg (LBBW) sử dụng Blockchain cho một giao dịch tài chính trị giá 100 triệu euro.

Những ưu thế của Blockchain

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.

Công nghệ này được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu nên có tính bảo mật cao. Những vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu tập trung của các định chế tài chính như ngân hàng, tập đoàn… sẽ rất khó thực hiện bởi để lấy thông tin trong một khối cụ thể nào đó, hacker sẽ phải tấn công hàng triệu máy tính trong mạng lưới cùng lúc.

Alan Morrison, chuyên gia công nghệ thuộc Hãng nghiên cứu PwC, cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tài chính, có thể tận dụng Blockchain để tự động hóa nhiều khâu trong hoạt động.

Blockchain có thể giảm chi phí của các nhà băng khoảng 20 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2022.

Theo dự báo của PwC, đến những năm 2020, các hệ thống dựa trên Blockchain sẽ được các doanh nghiệp hàng đầu áp dụng nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ nhiều rào cản kiểm tra hay xác nhận cho các giao dịch hoặc hợp đồng đơn giản.

Lợi thế lớn nhất của Blockchain là giúp các bên tham gia một giao dịch không cần phải tin tưởng vào nhau mà mọi thứ vẫn trơn tru, đảm bảo, lại còn bảo mật, không có nguy cơ lừa đảo hay tội phạm tài chính. Theo Quỹ Santander InnoVentures, Blockchain có thể giảm chi phí của các nhà băng khoảng 20 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2022.

Dù có những thử nghiệm và những giao dịch đã thành công nhưng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.

>> Giá Bitcoin hôm nay (2/3): Chân dung kẻ khổng lồ trong ‘nền kinh tế’ Bitcoin

Tin mới lên