3 kịch bản cho chứng khoán Việt Nam với 'biến số' vaccine

Phương Đông - 14/04/2020 17:51 (GMT+7)

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa đưa ra ba kịch bản cho VN-Index trên cơ sở thế giới tìm được vaccine hoặc thuốc cho Covid-19 hay chưa.

Kịch bản lạc quan là sớm có vaccine hoặc thuốc điều trị và được triển khai sớm. Các biện pháp hạn chế vì dịch bệnh có thể được gỡ bỏ trong tình huống này, đồng nghĩa kinh tế toàn cầu chỉ mất hai quý tăng trưởng âm và nhiều khả năng tạo nên sự hồi phục hình chữ V.     

Chứng khoán trong nước cũng không ngoại lệ. Dư âm của các chính sách kích thích kinh tế được triển khai trong thời gian chống dịch giúp VN-Index đi lên nhanh chóng, thanh khoản dồi dào hơn so với trước lúc Covid-19 bùng phát. Chỉ số được kỳ vọng ở mức giá trị hợp lý dài hạn 778-810 điểm, cao hơn khoảng 20% so với giai đoạn thị trường xuống thấp nhất trong đợt dịch.       

Kịch bản cơ sở là không thể sớm có thuốc điều trị hoặc triển khai vaccine nhưng thị trường tài chính và vấn đề thanh khoản được giải quyết bằng chính sách tài khoá, tiền tệ. Kinh tế toàn cầu có thể trải qua ba quý tăng trưởng âm trước khi quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng gập ghềnh.     

Giá trị hợp lý của VN-Index khi đó nằm trong khoảng 672-692 điểm, cao hơn 2-5% so với "vùng đáy" mới được thiết lập từ đầu năm đến nay. Chỉ số sẽ mất thêm thời gian chờ đợi nền kinh tế dần thoát khỏi suy thoái để tiến lên ngưỡng như kịch bản tích cực.

Kịch bản tiêu cực là vaccine/thuốc không thể sớm triển khai và các vấn đề của nền kinh tế cũng không được giải quyết. Doanh nghiệp có thể đóng cửa hàng loạt, kéo theo tình trạng thất nghiệp lan rộng và dẫn đến suy thoái kéo dài 18 tháng như trường hợp khủng hoảng tài chính năm 2008. Áp dụng phương pháp tính hệ số P/E được điều chỉnh theo yếu tố chu kỳ của nền kinh tế, VN-Index được dự đoán giảm xuống mức định giá tương đương năm 2008, là 515-527 điểm.

Vaccine/thuốc cho Covid-19 có thể ứng dụng sớm hay không là sự khác biệt lớn nhất giữa kịch bản tích cực và tiêu cực. Nhóm phân tích cho rằng, vaccine khó được phát triển nhanh nhưng chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ cứu vãn vấn đề thanh khoản. Kịch bản cơ sở vì thế có nhiều khả năng xảy ra nhất trong bối cảnh hiện nay.       

Sự thay đổi ở giai đoạn hậu đại dịch được dự báo tạo nên sự phân hoá cực đoan giữa các tài sản rất đắt và rất rẻ. Nhà đầu tư chỉ nên rót tiền vào những doanh nghiệp chất lượng mà họ có thể chắc chắn sống sót sau đại dịch và hồi phục gập ghềnh trong thời gian dài. Ba nhóm doanh nghiệp được phân loại và khuyến nghị là tăng trưởng (có định hướng phát triển rõ ràng và không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế), chất lượng (bảng cân đối lành mạnh và dòng tiền ổn định), lớn (có nguồn lực và mạng lưới rộng để đa dạng hoá rủi ro).

Theo VnE
Cùng chuyên mục
Tin khác