Góc nhìn chứng khoán: Dòng tiền mới có thực sự là động lực tăng điểm của VN-Index?

Song Tử - 13/04/2020 17:05 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường tiếp nối xu hướng tăng ngắn hạn hôm nay khi VN-Index lên cao thêm gần 8 điểm nhưng thanh khoản lại suy yếu dần. Con số hơn 32.000 tài khoản mới mở trong tháng 3/2020 được nhắc đến nhiều gần đây, nhưng với mức thanh khoản chung không có gì nổi bật thì có thể dòng tiền mới này cũng chỉ giới hạn.

VNF
Thời điểm tháng 3/2018 dòng tiền mới gia nhập thị trường cực lớn đã tạo nên các phiên khớp lệnh 10.000 tỷ đồng, nhưng khối lượng giao dịch khi đó còn thấp hơn hiện tại. Vì vậy dòng tiền không phải lúc nào cũng đồng nhất với khối lượng giao dịch.

Tài khoản mở mới có thể đi cùng với một lượng vốn mới nhất định gia nhập thị trường. Hiện con số tổng hợp thực tế là không cụ thể vì công ty chứng khoán nào biết con số của công ty chứng khoán đó. Điều cuối cùng phải bộc lộ ra là mức giao dịch hàng ngày.

Yếu tố tạo hào hứng lớn nhất cho thị trường từ đầu tháng 4 này là đà tăng giá cổ phiếu và của VN-Index chứ không hẳn là mức gia tăng thanh khoản đến độ gây sốc. So với thời điểm 31/3, VN-Index đến hôm nay tăng 15,59% và HSX có 115 cổ phiếu tăng mạnh hơn chỉ số. Tuy nhiên những mã tăng tốt nhất là các mã thị giá vài ngàn đồng và thanh khoản vài trăm triệu đến vài chục tỷ đồng mỗi ngày không có gì đặc biệt.

Đối với các blue-chips VN30, đến hôm nay cũng có 16 mã tăng tốt hơn VN-Index và 10 mã tăng từ 20% trở lên. Sự gia tăng thanh khoản ở nhóm này cũng không có gì rõ ràng. Ví dụ VRE trong 8 phiên của tháng 4 tăng 32,9% thì quy mô giao dịch thậm chí thấp hơn cả hồi tháng 11 - 12 năm ngoái, thời điểm chưa có “dòng tiền điên” xuất hiện.

Nhìn tổng thể với nhóm VN30, mức gia tăng giao dịch cũng không nhiều khác biệt. Tuần trước trung bình một ngày giá trị khớp lệnh khoảng 2.299 tỷ đồng, tuần đầu tháng 4 khoảng 1.598 tỷ đồng. Trong khi đó bình quân tháng 3 nhóm VN30 giao dịch khoảng 2.053 tỷ đồng/phiên. Bình quân tháng 2 nhóm này giao dịch 1.989 tỷ đồng/phiên. Có thể thấy sự gia tăng là có, nhưng không đến mức khác biệt so với bình thường.

Đối với toàn thị trường cũng vậy. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh (giả định nhà đầu tư mới ít dùng giao dịch thỏa thuận), kể từ đầu tháng 2 tới nay, hai sàn có 3 phiên giao dịch vượt 5.000 tỷ đồng thì đều nằm trong tuần tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF. Kể từ đầu tháng 4 – thời điểm thị trường bắt đầu thoát đáy và tăng mạnh, thanh khoản lớn nhất là hai phiên 6-7/4 với bình quân khoảng 4.500 tỷ đồng/ngày. Trong 4 phiên trở lại đây thanh khoản bắt đầu giảm mạnh và hôm nay còn khoảng 3.443 tỷ đồng.

Nếu còn nhớ thì “dòng tiền điên” hồi tháng 3/2018 tạo nên hiệu ứng khủng khiếp hơn nhiều. Tháng 3/2018 số tài khoản mở mới khoảng 40.650 tài khoản, thanh khoản khớp lệnh khi đó tuần nào trung bình cũng giao dịch hơn 7.000 tỷ đồng/phiên và có 2 phiên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng (nếu tính cả thỏa thuận thì trên 12.000 tỷ đồng).

Nguồn vốn trên thị trường bao gồm cả tiền mới, tiền cũ, tiền margin, nhưng rõ ràng là lúc này dòng tiền không đến mức “điên” như đồn thổi. Càng có nhiều tài khoản giao dịch thì về lý thuyết càng có cơ hội thu hút thêm lượng vốn mới vào thị trường chứng khoán. Thế nhưng thanh khoản hàng ngày chỉ duy trì mức trung bình thấp so với thời điểm trước khủng hoảng Covid thì hoặc là dòng tiền cũ thua lỗ quá nhiều rút ra hoặc dòng tiền mới bổ sung vào không lớn, nên chưa thể tạo thay đổi một cách rõ nét.

Thị trường tăng không nhất thiết phải do sức cầu lớn hay thanh khoản tăng mạnh, mà có thể do nhà đầu tư thua lỗ quá mức không còn muốn cắt lỗ nữa. Ngoài ra, khối lượng giao dịch không phải lúc nào cũng đồng nhất với quy mô dòng tiền trên thị trường. Cổ phiếu thị giá vài ngàn đồng có thể giao dịch hàng chục triệu cổ phiếu mỗi ngày nhưng thực chất chỉ đạt giá trị vài chục tỷ đồng. Ngược lại, các cổ phiếu thị giá cao chỉ cần khớp 1-2 triệu cổ cũng đã tốn hàng trăm tỷ. Đánh giá quy mô dòng tiền mới gia nhập thị trường như thế nào cũng cần có thời gian hơn là nhìn đột biến một ngày ngày cá biệt.

Cùng chuyên mục
Tin khác