3 thách thức lớn với sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

M.T - 12/01/2019 09:19 (GMT+7)

Theo nghiên cứu mới được Nexus FrontierTech, rubikAI và G&H Ventures công bố, 3 thách thức lớn nhất với sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam là vấn đề thiếu hụt nhân tài (59%), kế đến là khả năng truy cập dữ liệu (47%) và gọi vốn (35%).

Nhận định trên là một nội dung được Nexus FrontierTech, rubikAI và G&H Ventures đưa ra trong báo cáo “Toàn cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam năm 2018” mới công bố.


Theo nhóm nghiên cứu, trên phạm vi toàn cầu, nhân lực AI vẫn đang thiếu hụt trong khi nhu cầu ngày càng cao và cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn (Ảnh minh họa)

Báo cáo này được công ty hoạt động trong lĩnh vực AI - Nexus FrontierTech (tiền thân là Innovatube), nhóm dự án rubikAI và G&H Ventures - đội ngũ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thực hiện dựa trên khảo sát hơn 30 công ty AI về các hoạt động của họ, những thách thức cũng như quan điểm của họ về hệ sinh thái AI bao gồm các công ty khởi nghiệp AI và tập đoàn xây dựng các sản phẩm liên quan đến AI, để mang lại cái nhìn sâu sắc về hệ sinh thái AI tại Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu, trí tuệ nhân tạo - AI được định nghĩa là khả năng của máy móc có thể thực hiện các chức năng nhận thức gắn với con người như lĩnh hội, lý luận, học tập, tương tác với môi trường, giải quyết vấn đề và thậm chí là thực hiện sáng tạo. Dù là một khái niệm tương đối mới nhưng cuộc Cách mạng AI đã trải qua những giai đoạn cột mốc từ năm 1920 đến nay và sẽ nở rộ trong tương lai gần. Hội tụ điều kiện thuận lợi như sự tiến bộ của các thuật toán, sự bùng nổ của dữ liệu cũng như sự gia tăng khả năng tính toán và lưu trữ của máy tính. Sức ảnh hưởng của AI đến các ngành công nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành có tốc độ đổi mới cao như Chăm sóc sức khỏe, Di động & Viễn thông.

Đề cập đến bối cảnh AI trên toàn cầu, báo cáo cho hay trong số những cường quốc về AI, Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 trung tâm hàng đầu thế giới khi có đến 1.393 startups về AI tại Mỹ và 383 tại Trung Quốc, theo sát là Israel và Anh. Định hình lại lực lượng lao động toàn cầu; sự đầu tư mạnh mẽ và thâu tóm các startups AI của những gã khổng lồ công nghệ; các công cụ nguồn mở ngày càng phổ biến giảm thiểu đáng kể chi phí quản trị dữ liệu và vận hành là 3 xu hướng lớn nhất AI đem lại. “Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu nhân tài AI vẫn đang thiếu hụt trong khi nhu cầu ngày càng cao và cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn, dẫn đến cả startups và những tên tuổi lẫy lừng trong ngành đều cạnh tranh gay gắt để chiêu mộ nhân tài với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Đáng chú ý, từ kết quả khảo sát tại trên 30 công ty AI, trong báo cáo mới công bố, Nexus FrontierTech, rubikAI và G&H Ventures đã phần nào phác họa bức tranh toàn cảnh hệ sinh thái AI tại Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu, những bước đột phá về AI trên toàn cầu mở ra một tương lai sáng cho Hệ sinh thái AI tại Việt Nam với một loạt các sự kiện lớn: Vietnam AI Hackathon, Zalo AI Summit (2017), AngelHack Hackathon, Zalo AI Challenge, Vietnam Frontier Summit (2018)… trở thành cầu nối quan trọng gắn kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái từ các tập đoàn, các startups và nhà đầu tư đến các tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông và xây dựng cộng đồng.


Ứng dụng AI vào các ngành nghề tại Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó 3 ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ AI là Thương mại điện tử, Vận tải & Logistics, Giáo dục

Ứng dụng AI vào các ngành nghề tại Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó các ngành công nghiệp chính chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ AI là thương mại điện tử khi có đến 29% các công ty AI hoạt động trong lĩnh vực này. Ngành vận tải & logistics cũng ghi nhận con số 18% và ngành giáo dục là 12%.


Trên cơ sở phân tích những thách thức đối với sự phát triển công nghệ AI tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới

Tuy nhiên, báo cáo “Toàn cảnh AI tại Việt Nam năm 2018” cũng chỉ ra rằng sự phát triển AI tại Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chung trên thế giới mà lớn nhất chính là vấn đề thiếu hụt nhân tài (59%), kế đến là khả năng truy cập dữ liệu (47%) và gọi vốn (35%).

Hiện tại, có rất ít trường đại học hay cơ sở đào tạo tại Việt Nam đưa AI vào chương trình đào tạo, đẩy nguồn nhân lực AI rơi vào tình trạng khan hiếm dù nhu cầu của thị trường ngày càng lớn. Các doanh nghiệp AI cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp, có đến 59% số công ty thành lập dưới 2 năm và chỉ 34% kêu gọi được trên 200.000 USD vốn từ bên ngoài.

Do đó, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, chất xúc tác cần có để thúc đẩy cho sự phát triển công nghệ AI tại Việt Nam nằm ở việc cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo cũng như thu hút nhiều vốn đầu tư hơn từ ngước ngoài.

“Việc đào tạo AI chính quy trong các trường đại học, hay được các đơn vị đào tạo phổ cập rộng rãi là cần thiết để giải quyết bài toán khát nhân lực AI, đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các nhân tài công nghệ. Bên cạnh đó, đa số công ty AI vẫn hoạt động ở giai đoạn khởi đầu nên quy mô tương đối nhỏ, chiếm 68% là các công ty có quy mô dưới 50 nhân viên và 70% các công ty có dưới 10 ky sư AI. Vì vậy, các tập đoàn và nhà đầu tư mạo hiểm là những đối tác quan trọng có thể hỗ trợ về nguồn vốn, truy cập dữ liệu lớn cũng như tiếp cận thị trường”, đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Theo Ictnews
Cùng chuyên mục
Tin khác